Vục mẻ là gì

ở lứa tuổi ấy mà biết nghĩ như thế là sâu sắc lắm. Từ một thực tế có tính khoa học là cây lúa hút chất dinh dưỡng ở bùn, đất ra hoa, trổ bông, kết hạt (như ai cũng biết) thì nhà thơ bằng sự tinh tế của tâm hồn còn nghe được, cảm được “vị phù sa”, “hương sen thơm”, trong hạt gạo. Và hơn thế nữa, còn có cả tình người, lòng người ấp ủ:

Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay...

Làm ra hạt gạo gian khó biết chừng nào. Ca dao cổ có câu thấm thía:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Đó là phát biểu trực tiếp, có tính chất luân lí, hơi nghiêng về lí trí. Còn trong bài thơ này, Trần Đăng Khoa để thực tế đời sống tự nói lên:

Hạt gạo làng ta - Có bão tháng bảy - Có mưa tháng baHạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu...

Bão dập, nắng lửa, mưa dầm, thiên nhiên nhiệt đới khắc nghiệt đã đổ lên đầu người nông thôn bao nhiêu nhọc nhằn để làm ra hạt gạo, mà cụ thể nhất là bà mẹ của mình:

Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.

Bốn câu thơ có sức chứa lớn nội dung, về hình thức biểu hiện. Nghĩ bằng cách nghĩ của trẻ con, tác giả mới so sánh cái nước do mặt trời hun nóng lên ở ruộng với nước nóng mà ta đun, nấu lên; nước nóng đến mức “chết cả cả cờ” thì phải là mắt trẻ con mới nhìn thấy được. Vì sao vậy? Cá cờ có nơi gọi là cá thia lia, thân, đuôi nhiều màu sắc rực rỡ, các cậu bé ở nông thôn mà bắt được là đem về nuôi ở chai, lọ thủy tinh như ở thành phố người ta nuôi cá vàng.

Nước nóng chết cả cá, nhưng chết mấy con cá cờ quả là tiếc đứt ruột. Phải có con mắt trẻ con, tâm lí trẻ con mới viết được hai câu thơ:

Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ...

“Cua ngoi lên bờ”: không sống ở nông thôn, không có thực tế ruộng đồng không có câu thơ đó. Nóng quá, cua ngoi lên bờ nhưng bất ngờ đến sửng sốt khi:

Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy

Hai câu thơ, hai hình ảnh đối nghịch nhau gây một chấn động tình cảm mạnh trong lòng người đọc.

Có phải nói điều gì nhiều về những vất vả, nhọc nhằn của người mẹ để làm ra hạt gạo? Hai câu thơ đã nói quá nhiều. Một câu như đám mây mang điện tích âm gặp câu kia mang điện tích dương tạo nên tiếng sét. Tiếng sét đó làm chấn động tình cảm trong lòng bạn đọc.

Kể ra bài thơ dừng lại ở đây được rồi, là đúng với lứa tuổi người viết. Nhưng trong thời điểm cả nước dồn sức chống Mĩ, trẻ con cũng già đi trước tuổi. Các em không được sống hồn nhiên cái tuổi bắt dế, nuôi chim của mình. Trần Đăng Khoa cũng vậy mà còn hơn thế nữa. Vì thông minh hơn người, em tiếp nhận không khí chính trị, không khí xã hội một cách nhạy bén:

Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút lên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa...

Trần Đăng Khoa vừa miêu tả hạt gạo nghìn đời, vừa nói lên hạt gạo những năm chống Mỹ: gian khổ và nghĩa tình. Tác giả biết chọn lọc những hình ảnh có sức rung động. Câu thơ như:

Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông

vừa nói được hoàn cảnh, vừa nêu được khí thế của đất nước thời ấy.

Nguồn: Vũ Nho - Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, Nxb VHTT, 2000, tr.180 – 183.

Lời bình của Vũ Nho


Một phần vì bài thơ được phổ nhạc, trẻ con nhà quê hát suốt và chính bản thân tôi cũng thích thú nghêu ngao những khi cao hứng một mình. Phần khác vì đây là bài được chọn đưa vào sách giáo khoa Tiểu học. Phần khác nữa là trong câu chuyện về ông Chộp có đoạn:

Lão Chộp dừng lại. Lão nhìn tôi đăm đăm, vẻ như thăm dò rồi lão dè dặt hỏi:

- Này tôi hỏi khí không phải. Có phải bác là cái bác Hạt gạo làng ta không?

Tôi ngạc nhiên nhìn lão:

- Vâng, có chuyện gì thế cụ?

- Ồ thế thì hay quá! Tôi định khăn gói quả mướp tìm gặp bác lâu rồi kia. May quá ! Đúng là ông giời phù hộ bác ạ!" (Trần Đăng Khoa - Chân dung và đối thoại, tr. 298)

Bấy nhiêu lý do đủ làm cho tôi phải đi tìm vẻ đẹp của "Hạt gạo làng ta".

Vẻ đẹp của "Hạt gạo làng ta"
Bài thơ mở đầu một cách giản dị nhưng vô cùng tinh tế ca ngợi cái quí giá của hạt gạo bình thường. Từ thời vua Hùng, hạt gạo đã được thần mách cho Lang Liêu rằng trong trời đất không có gì quí bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán (Lĩnh nam chích quái - Truyện bánh chưng). Tục ngữ từng đề cao vai trò của hạt gạo và địa vị của người làm nông nghiệp "Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ"... Hạt gạo trong thơ của chú bé Khoa không phải là khái nịêm gạo nói chung mà là hạt gạo của làng. Cái giỏi của chú bé thần đồng là ở chỗ không lấy hợp tác, không lấy xã, không lấy huyện làm địa chỉ cho hạt gạo; mà lấy làng, một tế bào rất cơ bản của xã hội kinh tế nông nghiệp, nơi gắn bó bền chặt của cộng đồng với bao nhiêu ràng buộc về địa dư, tín ngưỡng, văn hóa, phong tục: đất làng, đình làng, thành hoàng làng, hội làng, lệ làng... Hạt gạo bé nhỏ ấy có vị phù sa, có hương sen thơm, có lời mẹ hát... Đó là kết tinh những tinh hoa của trời đất và con người.

Có một điều kì lạ là bài thơ rất khái quát và sâu sắc về tư tưởng nhưng lại được diễn đạt bằng cái nhìn đơn giản, hồn nhiên của trẻ con. "Hạt gạo có..." Như là lối nói thường thấy ở đồng dao "Củ ấu có sừng, bánh chưng có lá, con cá có vây, ông thầy có sách...". Chỉ khác là ở đồng dao mỗi sự vật có một thứ đặc trưng, còn hạt gạo thì có các thứ khác nhau. Có rất nhiều thứ, kể cả gió bão, nắng mưa, nhưng hạt gạo không có bom đâu nhá. Lại  phải khen cậu bé Khoa. Bởi thế mà ở khổ thơ thứ ba, chữ "có" trốn biệt để chỉ còn thời gian với bom, với súng, với đạn. Cuối cùng chúng cũng bị mùi thơm của "bát cơm mùa gặt" đánh bạt. Cứ tựa như là chiến thắng của quả sấu non trong thơ Xuân Diệu, của khí thế "tiếng hát át tiếng bom" ngày ấy...

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...

Cái khéo của hai chữ "đắng cay" đứng ở cuối câu vừa nói được trong hạt gạo có phần cay đắng (như trong ca dao nói dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần), vừa bắc cầu sang những nỗi vất vả nhọc nhằn để có được hạt gạo trong những năm tháng chiến tranh.

Cũng vẫn là những gì có ở hạt gạo thôi, nhưng chúng là phần gian nan nhất mà người sản xuất phải chịu đựng: Bão tháng bẩy gãy cây đổ nhà. Mưa tháng ba liền với giá rét căm căm khiến người già chết cóng. Tuy nhiên cái rét, cái mưa, con người còn phòng được, chống được  ít nhiều. Cái nắng, cái nóng mới là nỗi cơ cực nhất của người nông dân. Có phải vì thế chăng mà bài ca dao xưa cũng đặc tả cái nắng, cái nóng "... buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày". Trần Đăng Khoa không nhắc đến trận "mưa mồ hôi" tuy là "mưa giả" nhưng cũng có nước để dịu đi chút nóng. Chú bé nói đến mồ hôi sa trưa tháng sáu, nói đến cái nóng trên giời (nắng trưa) cái nóng dưới ruộng (nước như ai nấu). Nóng đến nỗi cá không sống nổi, cua phải bỏ lên bờ... Còn mẹ em, người phụ nữ nông thôn thì lội xuống thửa ruộng như chảo nước đang đun nóng bỏng để mà cấy lúa, cấy mầm sống, mầm hi vọng có hạt gạo mai này. Có khác nào đi vào chỗ chết để làm ra sự sống.

Đặc sắc bài thơ về hạt gạo của Trần Đăng Khoa là nói đủ cả bão, mưa, gió, nắng. Mưa ra mưa, mưa tháng ba, và cả mưa trong bão tháng bảy "áo mẹ mưa bạc màu. Đầu mẹ nắng cháy tóc". Lại nhớ đến hình ảnh người cha đi cày về "đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa"...

Nếu chỉ vật lộn với thời tiết, với mưa gió để làm ra hạt gạo thì công lao của người nông dân cũng đã to lớn vô cùng. Nhưng hạt gạo ấy còn được làm ra dưới đạn bom. Bom trút lên mái nhà, trút vào nơi sống, nơi nghỉ ngơi để lấy lại sức lực sau những bão những nắng, những nóng những rét, những mưa... Hạt gạo ấy còn được làm ra trong điều kiện trai tráng khỏe mạnh đều theo cây súng đi xa. Và cả hậu phương giờ cũng thành ra chiến trường, bom Mĩ trút, hố chiến đấu, hào giao thông chằng chịt...

Những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy hào hùng. Chỗ nào cũng nói đến lập công, ghi công. Trong bảng vàng chiến công ấy có cả công những em bé "Đưa cơm cho mẹ đi cày" (tên một bài hát nổi tiếng của Hàn Ngọc Bích). Phải ghi công vì các em không chỉ làm kế hoạch nhỏ, nghìn việc tốt mà các em còn tham gia lao động, làm những việc quá sức đối với lứa tuổi. Tát nước chống hạn thì "vục mẻ miệng gàu", gánh phân thì "quang trành quết đất", bắt sâu thì "lúa cao rát mặt"... Sáng, trưa, chiều... không đi học là các em đi làm...

Bài thơ chỉ nhắc đến mẹ và các bạn thiếu nhi vì những năm ấy đảm đang đồng ruộng chủ yếu là phụ nữ và trẻ con. Thơ viết như không nhưng sức khái quát lại rất cao là thế.

Khổ kết thúc bài thơ là một khổ thơ đặc sắc. Hạt gạo ấy xứng đáng là hạt vàng, xứng đáng để nhà thơ nhỏ tuổi ca hát.

Em vui em hát
Hạt vàng làng ta

Hạt gạo nhỏ bé mà có đủ vị, hương, âm thanh lời hát, có không gian, có thời gian, có phong trào thiếu nhi, có lịch sử đánh Mĩ. Bài thơ nho nhỏ mà nói bao điều lớn lao...

Trò chuyện với Trần Đăng Khoa, tôi mới hiểu vì sao anh tặng bài thơ này cho Xuân Diệu. Chính ông chứ không ai khác đã "mắng" chú bé Khoa về đoạn kết bài thơ. Trần Đăng Khoa kể:

"Ban đầu em viết đoạn kết:
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về muôn phương
Làm nên chiến trường
Làm nên niềm vui
Các cô các bác
Đừng để gạo rơi

Khi em đưa cho Xuân Diệu, ông trợn mắt bảo: "Các cô các bác không phải là trẻ con đâu nhé, không đợi cháu dạy khôn như thế. Cháu còn bé phải tránh cái lối dạy dỗ. Giáo huấn - đấy là cái nhược điểm, cái bệnh chung của nền thơ ta. Cháu phải tránh xa".

Vì thế em đã viết lại đoạn kết như hiện nay".

Mới hay, dù đã là thần đồng như Trần Đăng Khoa, nếu không có ông thầy tài ba, một Đại sư Xuân Diệu thì cũng khó mà đi xa. Nhờ "mắng mỏ" nghiêm khắc của Xuân Diệu mà "Hạt gạo làng ta" trở nên "hạt vàng" trọn vẹn.