Ví dụ về tính ước lệ trong văn học trung đại

Ví dụ về tính ước lệ trong văn học trung đại

Tính ước lệ trong văn học trung đại Việt Nam

1. Tính ước lệ trong văn học nói chung.

a. Trong đời sống xã hội, ước lệ là một qui ước có tính cộng đồng. Ước lệ là một tín hiệu riêng của một cộng đồng khi cảm nhận thực tại, làm cho sự vật và hiện tượng hiện lên đúng với chiều kích qui ước và đúng với cách hiểu của cả cộng đồng.

b. Văn học nghệ thuật mọi thời, mọi dân tộc bao giờ cũng có tính ước lệ. Bởi lẽ, văn học không là phiên bản thu nhỏ của hiện thực đời sống, nhưng bắt nguồn từ mảnh đất thực tại, thanh lọc thực tại qua cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, lăng kính thẩm mỹ của thời đại. Có điều, ước lệ trong văn học là ước lệ thẩm mỹ có tính qui ước của các nhà văn trong một thời đại, một dòng văn học nhất định.

2. Ước lệ trong văn học trung đại Việt Nam.

a. Ước lệ, một đặc trưng thi pháp.

– Văn học trung đại, ước lệ được nhà văn sử dụng triệt để, nghiêm túc và phổ biến. Các nhà văn bao giờ cũng cảm thụ và diễn đạt thế giới bằng hệ thống nghệ thuật ước lệ. Ước lệ đã trở thành một đặc trưng thi pháp của văn học.

– Đặc trưng thi pháp này hình thành từ bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến và cảm quan thẩm mỹ của tầng lớp nghệ sĩ Hán học. Xã hội phong kiến là một xã hội đẳng cấp, lắm nghi thức công thức. Xã hội bị lễ nghĩa trói buộc, nên văn chương tất phải ước lệ. Tầng lớp Nho học xem sách xưa, lời nói của thánh hiền, người trước là chuẩn mực thì văn chương không thể không đạt đến những mẫu mực về bút pháp, dùng từ, xây dựng hình ảnh, hình tượng, sử dụng điển tích, điển cố,… Với các nhà văn thời này văn chương phải “Văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí”; sáng tác văn học là hình thức trước thư lập ngôn, nên văn chương ước lệ mới đẹp, mới sang trọng. Trong tác phẩm, nhà văn càng sử dụng nhiều nghệ thuật ước lệ chừng nào thì càng uyên áo, càng đẹp; mới thực hiện được chức năng giáo dục đạo lý của nó; mới góp phần hình thành mẫu người phong kiến lý tưởng.

b. Ước lệ bao gồm ba tính chất.

– Tính uyên bác và cách điệu hóa cao độ.

– Tính sùng cổ.

– Tính phi ngã.

b.1: Tính uyên bác và cách điệu hóa cao độ.

– Không phải ngẫu nhiên văn học chính thống thời phong kiến được mênh danh là văn chương bác học (Văn học dân gian gọi là văn học bình dân). Gọi như thế, văn chương mang trong mình nó tính bác học. Người sáng tác phải bác học và người tiếp nhận cũng rất bác học. Bởi đây là loại văn chương phòng khách, trà dư tửu hậu.

– Văn chương chính thống thời phong kiến mang tính qui phạm từ góc độ sáng tác đến thưởng thức. Giới văn học hẹp, chỉ quanh quẩn trong tầng lớp trí thức Hán học tài hoa, tao nhân mặc khách. Trường hợp Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là một thí dụ tiêu biểu. Độc giả của Nguyễn Khuyến là Dương Khuê, nên khi bạn văn mất, nhà thơ như muốn gác bút:

Thơ muốn viết đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ?

(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)

– Sáng tác trong môi trường ấy, tất nhiên uyên bác có ý nghĩa thẩm mỹ. Người sáng tác cũng như người tiếp nhận đều phải thông thuộc kính sử, điển cố, điển tích; phải có vốn thi liệu, văn liệu phong phú học tập được từ những áng văn bất hủ của người xưa. Văn chương càng uyên bác càng có sức hấp dẫn lớn, có tính nghệ thuật cao.

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Hay:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

(Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi)

– Văn chương của tao nhân mặc khách, nên có khuynh hướng lý tưởng hóa, “văn chương hóa”, Các nhà văn thời ấy muốn tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng khác với thế giới đời thường. Cho nên, thế giới nghệ thuật của các trang văn thời này luôn được các nhà văn cách điệu hóa cao độ. Hình tượng nghệ thuật càng cách điệu hóa càng đẹp.

– Quan niệm này đã làm nấy sinh thái độ xem thường văn xuôi, trong thơ ca. Trong cái nhìn của các nhà văn và độc giả văn học thời phong kiến, văn xuôi gần với đời sống thực tại, ít được cách điệu hóa; thơ mới là thứ ngôn ngữ giàu tính cách điệu. Con người trong văn chương phải đẹp một cách lý tưởng: tóc mây, mày liễu, mặt hoa, tay tiên, gót sen, vóc hạc,… Cử chỉ, đi đứng, ăn nói tựa như đang sống trong thế giới của nghệ thuật sân khấu:

Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

– Tạo vật thiên nhiên đi vào văn chương cũng phải thật sang quý và đẹp như mai, cúc, tùng, bách, liễu,…

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn

(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)

– Nhìn chung, văn chương thời ấy không chú ý tả thực. Tả thực nếu có, chỉ dùng cho những nhân vật phản diện phàm tục như Mã giám sinh, Sở Khanh, Tú bà; Bùi Kiệm, Trịnh Hâm:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao ?

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi thề lê mặt như sề thịt trâu !

(Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

– Thời bấy giờ, người ta quan niệm con người không hoàn thiện, hoàn mỹ bằng tạo hóa, không tài hoa bằng hóa công. Vì thế, những gì cần lý tưởng hóa đều phải được so sánh với thiên nhiên, thiên nhiên trở thành chuẩn mực cho cái đẹp của con người. Con những tiểu nhân chỉ có thể so sánh với xác của chúng,mới tả thực.

b.2: Tính sùng cổ.

– Do quan niệm thời gian phi tuyến tính, nên trong văn chương cổ của dân tộc ta, các nhà văn luôn có xu hướng tìm về quá khứ. Họ lấy quá khứ làm chuẩn mực cho cái đẹp, lẽ phải, đạo đức. Với họ thời đại hoàng kim không có trong thực tại. Thời đại hoàng kim chỉ có vào thời Nghiêu, Thuấn; người anh hùng nghĩa sĩ lý tưởng là Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng (Hịch tướng sĩ văn). Chân lý quá khứ là chân lý có sức sáng tỏa muôn đời. Vì thế, văn chương thường lấy tiền đề là lý lẽ và kinh nghiệm của cổ nhân, của lịch sử xa xưa (lập luận trong Quân trung từ mênh tập của Nguyễn Trãi là một minh chứng).

– Văn học vì vậy mà đầy rẫy những điển tích, điển cố. Mẫu mực của văn chương cũng như vậy. Thơ ca không ai có thể vượt qua những thi thánh, thi thần như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,… Chính vì vậy, các nhà văn đời sau thường “tập cổ” vay mượn văn liệu, thi tứ, hình ảnh nghệ thuật của các nhà thơ, nhà văn đời trước mà không bị đánh giá là “Đạo văn”. Ngược lại, họ được đánh giá là một cây bút đạo đức, sang trọng; tác phẩm của họ rất giàu gía trị.

b.3: Tính phi ngã.

– Thời phong kiến, ý thức cá nhân chưa có điều kiện phát triển. Con người chưa bao giờ “sống là mình”. Con người chỉ sống với không gian mà không sống cùng thời gian.

– Con người được nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở của tầng lớp, giai cấp, dòng tộc, địa vị xã hội. Con người chỉ phân thành hai loại: quân tử và tiểu nhân. Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, yêu đương tự do khó có thể chấp nhận và không bao giờ đạt được hạnh phúc. Hôn nhân xây dựng trên cơ sở đẳng cấp, môn đăng hộ đối. Người có văn hóa giáo dục là người biết khắc kỉ, biết nhún mình, thu mình lại, hạ thấp cái tôi cá nhân của mình.

– Chính điều kiện xã hội ấy đã sinh ra hệ thống ước lệ trong văn chương, một ước lệ nghệ thuật có tính phi ngã. Nhà văn cảm thụ và diễn tả thiên nhiên không bằng cái nhìn hữu ngã và bằng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu do cá nhân mình sáng tạo. Tranh vẽ, thơ vịnh đều có sự quy định theo một công thức nhất định: tứ quý, tứ linh, tứ thú,… Tạo vật thì phải là xuân lan, thu cúc, hoa điểu, tùng hạc, con người thì ngư, tiều, canh, mục. Buổi chiều phải có chim bay về tổ, mục đồng thổi sáo réo rắc ngồi trên mình trâu về thôn xa, người lữ thứ bước vội trên đường, chùa xa chuông ngân tiếng âm trầm giục giã khách giang hồ,… Cảnh trăng khuya thì có thuyền gối bãi, thuyền chở trăng; đêm thì có tiếng dế nỉ non, khoan nhặt, giọt ba tiêu thánh thót rơi buồn,…

– Truyện luôn có nhân vật giai nhân tài tử, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. Gái đẹp luôn được miêu tả: mặt hoa da phấn, “làn thu thủy nét xuân sơn”, lưng ong, gót sen; anh hùng thì râu hùm hàm én; đấng trượng phu, bậc quân tử được ví như cây tùng, cây bách nơi chốn lâm tuyền, sẽ làm rường cột cho quốc gia,… Cốt truyện thì theo một công thức định sẵn như: gặp gỡ, ly tán, đoàn viên,…

– Thơ phải cách luật. Luật phối thanh bằng trắc của thơ phú cũng quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ, khiến cho người làm thơ phải diễn tả thế giới bằng thính giác có tinh “phi ngã” của cộng đồng tao nhân mặc khách. Bố cục thơ cũng định sẵn, bất di bất dịch. Ngay cả tiêu đề thơ cũng quanh quẩn: ngôn hoài, thuật hoài, ngôn chí,…

– Người viết văn làm thơ có một kho điển cố, kho thi liệu, văn liệu chung. Tất cả đều là những hình ảnh, những ngôn từ ước lệ phi ngã. Nói chuyện tri âm, tri kỉ thì “mắt xanh chẳng để ai vào”, nói tình yêu lỡ dỡ thì có chuyện Thôi Oanh Oanh, Trương Quân Thụy. Nói người phụ nữ tài hoa thì ví như nàng Ban, ả Tạ. Cha mẹ là huyên đường, vợ chồng là tao khang. Nhớ quê hương thì trông áng mây Tần xa xa… Tất cả đều có nguồn gốc ở trong văn chương cổ Trung Hoa mà người viết văn, làm thơ cũng như người đọc văn, đọc thơ phải thông thạo.

– Tuy nhiên, nói văn học trung đại có tính phi ngã không có nghĩa trong tác phẩm văn chương không có dấu ấn bản ngã của người nghệ sĩ. Bởi lao động nghệ thuật là một hoạt động sáng tạo; văn học chân chính không chấp nhận công thức, phi ngã. Trong văn học thời trung đại của dân tộc ta, các cây bút lớn đều khẳng định tư tưởng, cá tính và tài nghệ độc đáo của họ. Tiến trình văn học đã khẳng định điều đó. Chúng ta không thể phủ nhận cá tính sáng tạo của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà,… Chỉ có điều, do tính qui phạm nghệ thuật; nên sự khác biệt trong tư tưởng và phong cách nghệ thuật của các cây bút ấy chỉ là những biến thức khác nhau của sự vận dụng những chuẩn mực chung của cộng đồng văn học bấy giờ mà thôi.

Phân tích bút pháp ước lệ trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều