Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy như thế nào

MỤC LỤC BÀI VIẾT

  • Trẻ sơ sinh đi ngoài thế nào là bình thường?
  • Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
  • Nguyên nhân bé bị tiêu chảy là gì?
  • Ảnh hưởng khi bé bị tiêu chảy?
  • Khi nào mẹ nên đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?
  • Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
  • Phòng ngừa trẻ sơ sinh bị tiêu chảy như thế nào?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc toé nước ít nhất 3 lần/ 24 giờ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng từ 1,5 - 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em sau nhiễm trùng đường hô hấp. Vậy nên tình trạng trẻ sơ sinh bị tiêu chảy rất nguy hiểm, cha mẹ cần tìm hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân bé bị tiêu chảy cùng với cách xử lý và chữa trị. Cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu thêm về bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh này nhé!

Xem thêm:

  • Cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian an toàn và hiệu quả
  • Ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị nôn liên tục?
  • Trẻ sơ sinh bị sôi bụng mẹ nên làm gì?

Trẻ sơ sinh đi ngoài thế nào là bình thường?

Hiện tại chưa có số lần chính xác về việc trẻ sơ sinh đi ngoài mỗi ngày, với mỗi bé sẽ số lần khác nhau phụ thuộc vào việc bé đang uống sữa bình hay đang uống sữa mẹ, một nguyên nhân khác còn liên quan đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của bé.

Về tần suất đi ngoài hàng ngày của bé:

  • Đối với trẻ đang uống sữa mẹ: Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể đi ngoài tới 8-10 lần một ngày hoặc vài ngày không đi ngoài vẫn được xem là bình thường nếu bé khỏe mạnh và tăng cân tốt.
  • Đối với bé đang uống sữa công thức: Số lần đi ngoài thường từ 1 đến 2 lần mỗi ngày, đến mỗi 1 hoặc 2 ngày.

Về độ đặc và màu sắc trong sản phẩm đi ngoài của bé:

  • Phân của trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường mềm hoặc lỏng và có ít hạt trắng. Thường có màu vàng hoặc màu cam nhưng thỉnh thoảng có thể có màu xanh lục nhạt.
  • Bé bú sữa công thức nên có xu hướng đi ngoài với phân đặc hơn so với trẻ bú mẹ. Phân bình thường ở trẻ bú sữa công thức thường là khối mềm, màu sắc có thể thay đổi từ xanh xám, vàng, hoặc nâu, phụ thuộc vào loại sữa công thức mà trẻ sử dụng.

Tham khảo:

Phân của trẻ sơ sinh có bọt, phân lỏng do bị tiêu chảy phải làm sao?

Trẻ sơ sinh đi phân xanh có đáng lo không?

Số lần đi ngoài của mỗi trẻ là khác nhau [Nguồn: Sưu tầm]

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Bệnh kiết lỵ: Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và có dấu hiệu mệt mỏi, biếng ăn và nằm li bì, đặc trưng của bệnh này là bé phải mót rặn khi đi ngoài. Trẻ sẽ đi ngoài nhiều lần hơn bình thường, phân có dạng lỏng, màu vàng hoặc xanh, có khi có đàm, máu hoặc các loại thức ăn không tiêu [Đi tiêu phân sống].

Tiêu chảy do tả gây nên: Trong giai đoạn đầu của bệnh tả, bé sẽ ói nhiều dịch trong, có thể bé sẽ bị sốt nhẹ, tuy nhiên, thông thường là bé không sốt, vọp bẻ. Ở giai đoạn sau, bé đi ngoài với phân lỏng ồ ạt, lượng phân có thể lên đến 10 lít/ngày. Màu sắc đặc trưng là màu trắng đục như nước vo gạo và có mùi hơi tanh của cá.

Mất nước là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nghiêm trọng nhất. Sự mất nước biểu hiện ở ba cấp độ chính:

Biểu hiện của mất nước cấp độ nhẹ:

  • Cha mẹ cần quan sát kỹ, nếu nhìn thấy mắt của bé bị khô, khi bé khóc chảy ra rất ít nước mắt hoặc không có nước mắt thì bé đang bị mất nước.
  • Bé có dấu hiệu bị khô miệng, khô môi.
  • Bé đi tiểu tiện ít hơn bình thường. Đối với các bé đang sử dụng quần tã, các mẹ cần thường xuyên kiểm tra, nếu bé tiểu ít hơn bình thường thì bé đang có dấu hiệu bị mất nước cấp độ nhẹ.
  • Bé sẽ kém linh hoạt và dễ cáu gắt hơn bình thường.

Biểu hiện mất nước cấp độ vừa ở bé:

  • Bé bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng mắt trũng.
  • Trạng thái của bé lờ đờ hoặc nằm li bì.
  • Khi chạm vào da bé và có cảm giác da bé bị khô và kém đàn hồi.

Biểu hiện mất nước cấp độ nặng:

  • Ở trẻ sơ sinh bị mất nước cấp độ nặng sẽ có hiện tượng thóp trũng. Thóp là một vùng nho nhỏ, mềm nằm trên đỉnh đầu của bé.
  • Trẻ sơ sinh không đi tiểu [vô niệu] trong 6 giờ.
  • Da của bé bị mất độ đàn hồi, đây là hiện tượng mà khi cha mẹ sử dụng 2 ngón tay để căng nhẹ bất kỳ vùng da nào trên người bé rồi thả ra, nhưng da của bé không thể trả về hình dạng ban đầu.
  • Tình trạng mất nước cấp độ nặng sẽ khiến trẻ bị lờ đờ, li bì hoặc nghiêm trọng hơn bé có thể bị bất tỉnh, hôn mê.
  • Khi khám, mạch của bé sẽ nhanh nhẹ hoặc khó có thể bắt được, huyết áp của bé cũng bị tụt hoặc không đo được.

Một số biểu hiện mất nước khác:

  • Đau bụng, buồn nôn, ói thức ăn: Đây là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy thường thấy khác.
  • Sốt: Bé có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi nghiêm trọng bé sẽ có tình trạng co giật.

Xem thêm: Trẻ bị sốt khi nào nguy hiểm? Cách chăm sóc bé bị sốt

Mất nước là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nghiêm trọng nhất [Nguồn: Sưu tầm]

Nguyên nhân bé bị tiêu chảy

Các khả năng có thể làm cho trẻ sơ sinh bị tiêu chảy khá đa dạng, có thể kể đến một số nguyên nhân như sau:

  • Mất cân bằng hệ vi khuẩn: Tiêu chảy thường gặp nhất gây ra do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột.
  • Nhiễm trùng đường ruột: Virus rota, vi khuẩn salmonella và ký sinh trùng giardia có thể gây tiêu chảy cho trẻ, kèm các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa như: nôn mửa, đau dạ dày, đau đầu và sốt.
  • Không dung nạp lactose: Lactose là một loại đường có trong sữa mẹ, sữa công thức và cả sữa bò. Khi cơ thể trẻ sơ sinh không sản xuất đủ enzyme cần thiết để tiêu hóa lượng lactose này trong sữa sẽ khiến cho hàm lượng này bị tích tụ ở ruột, gây nên các vấn đề về đường ruột, tiêu chảy.
  • Rối loạn tiêu hóa: Do hệ tiêu hóa của con vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện và rất nhạy cảm với những thay đổi cho dù là nhỏ nhất.
  • Các nguyên nhân khác: Đột ngột chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, mẹ ăn thức ăn lạ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ,...

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy [Nguồn: Sưu tầm]

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không?

Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy làm cơ thể bé mất nhiều nước và điện giải. Bé có thể mất nước rất nhanh trong 1 đến 2 ngày sau khi bắt đầu tiêu chảy và nó có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ mới sinh.

Cách xử lý trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Bù nước và điện giải đủ và sớm nhất cho trẻ

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất mà cha mẹ cần lưu ý đối với bé đang bị tiêu chảy. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này bé có thể bị các biến chứng nghiêm trọng hơn do mất nước.

Cho trẻ sơ sinh bị tiêu chảy uống nhiều nước hơn bình thường, nếu bé còn uống sữa từ mẹ thì mẹ hãy chú ý và cho bé bú nhiều hơn, vì sữa mẹ cũng sẽ giúp cung cấp đầy đủ hàm lượng nước và điện giải. Khi bé lớn hơn [từ trên 6 tháng đến 5 tuổi], bé có thể được bù nước bằng các loại đường uống hoặc bất kỳ loại nước uống nào mà bé thích, chẳng hạn như các loại nước súp, nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa, hoặc các loại dung dịch có chứa Oresol. Cách tốt nhất các mẹ hãy sử dụng loại dung dịch Oresol có áp lực thẩm thấu thấp [Đây là loại dễ mua và dễ sử dụng, đảm bảo đủ nước, năng lượng và điện giải cần thiết].

  • Lưu ý hãy sử dụng Oresol đúng phương pháp: Pha Oresol 1 gói/ lần so với lượng nước sôi để nguội theo quy định và phải đảm bảo mỗi gói được đong một cách chính xác [Bạn không được chia nhỏ gói để pha nhiều lần]. Dung dịch Oresol sau khi đã pha được có thể sử dụng để uống và không được để quá 24 giờ. Dung dịch Oresol đã pha mà quá 24 giờ không uống hết được thì phải bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản dung dịch loại này trong tủ lạnh mà cho trẻ uống dần, tuyệt đối cũng không đun sôi dung dịch đã pha rồi cho trẻ uống.
  • Đối với trẻ nhỏ hơn 24 tháng tuổi thì hãy cho bé uống 50 – 100ml Oresol sau mỗi lần bé nôn hoặc bé đi ngoài, hãy cho bé uống từng thìa nhỏ liên tục, nếu bé vẫn nôn thì nghỉ 1-2 phút rồi lại cho bé uống tiếp. Lưu ý khi uống cho bé nghiêng đầu, tránh bị sặc.
  • Đối với bé lớn hơn 24 tháng tuổi thì hãy cho bé uống 100 – 200ml sau mỗi lần bé nôn hay đi ngoài, cho bé uống từng ngụm nhỏ.
  • Không được dùng thuốc chống nôn cho bé và cũng không dùng kháng sinh khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nguyên tắc quan trọng nhất để điều trị bé bị tiêu chảy là bù nước [Nguồn: Sưu tầm]

Chế độ ăn dành cho bé bị tiêu chảy

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy cấp tính hay mãn tính đều cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu trẻ đang trong giai đoạn uống sữa từ mẹ thì mẹ vẫn hãy tiếp tục cho trẻ bú nhiều hơn. Mẹ cũng nên bổ sung cho mình chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, điều đó sẽ giúp sữa có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Còn với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm thì cha mẹ có thể cho bé ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng dễ hấp thu cho bé dễ dàng tiêu hóa hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho bé với liều lượng vừa phải từ 10 đến 20mg mỗi ngày hoặc có thể lựa chọn thêm một số các loại thức ăn giàu chất kẽm vào bổ sung vào khẩu phần ăn của bé.

Xem thêm:

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì để nhanh khỏi?

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì để mau lại sức?

Giữ vệ sinh cho trẻ trong quá trình bị tiêu chảy

Một nguyên tắc quan trọng khác mà cha mẹ cần lưu ý, người chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với chất thải từ bé như phân hay chất nôn. Người chăm thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, các loại nước sát khuẩn tay nhanh. Dụng cụ, đồ dùng của bé cũng phải được rửa sạch sẽ. Bỉm và chất nôn cũng nên được xử lý gọn gàng, hợp vệ sinh, tránh gây ra tình trạng tái nhiễm hay lây lan mầm bệnh cho người khác.

BS. Nguyễn Phước Mỹ Linh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc bù nước cho trẻ bị tiêu chảy như sau:

Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ mất một lượng nước qua phân. Mẹ không nên quan trọng việc cầm tiêu chảy mà hãy chú trọng việc bù nước cho trẻ. Nếu trẻ tiêu chảy nhiều nhưng bù nước tốt và đúng cách thì trẻ sẽ có thể tự hồi phục mà không gây biến chứng nặng.

Cách phòng ngừa trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mẹ có thể chủ động phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng một số biện pháp đơn giản sau:

  • Mẹ cần rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Không cho bé ăn đồ chưa được nấu chín và uống nước chưa được đun sôi.
  • Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Tránh xa những khu vực đang có dịch.
  • Không làm ô nhiễm nguồn nước bằng các hoạt động như vứt xác động vật chết, đổ rác, nước sinh hoạt xuống sông, giếng, ao, hồ gần nhà.
  • Trong trường hợp gia đình có thành viên bị tiêu chảy cấp, cần dùng vôi bột hoặc Cloramin B để sát khuẩn cầu tiêu sau khi đi vệ sinh.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 - 24 tháng tuổi. Từ 4-5 tháng tuổi có thể cho trẻ ăn dặm thêm.
  • Một biện pháp phòng ngừa khác là cho trẻ nhỏ vắc-xin rota để phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus gây nên. WHO cũng đã khuyến cáo rằng vacxin Rota dành cho trẻ sơ sinh cần phải được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đặc biệt khuyến nghị sử dụng ở các quốc gia mà có tỉ lệ tử vong do tiêu chảy chiếm ≥10% so với tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, mẹ nên xin tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ.

Xem thêm: Lịch tiêm chủng cho bé từ 0-10 tuổi bố mẹ cần lưu ý

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ nên ăn gì

Giai đoạn trẻ còn sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu nhất của trẻ. Vì vậy, một số loại thực phẩm mà cơ thể mẹ hấp thụ vào trong quá trình cho bé bú cũng góp phần gây ra tình trạng đi ngoài của em bé. Bởi vì hệ tiêu hóa của bé lúc này vẫn còn non nớt, nhạy cảm với các loại thức ăn khác được hấp thụ qua đường sữa mẹ. “Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ nên cho bé ăn gì” chắc chắn là nỗi lòng của tất cả các mẹ.

Nếu thấy có dấu hiệu trẻ sơ sinh đi ngoài bất thường, các mẹ hãy thay đổi chế độ dinh dưỡng mà bé đang dùng, chú ý bổ sung đủ nước, các loại vitamin, chất xơ và các khoáng chất cần thiết khác để vừa đảm bảo chất lượng nguồn sữa, vừa giúp bé nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé được tốt hơn.

Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế ăn các loại như: cam, quýt, cà chua, bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, giá đỗ và các sản phẩm làm từ đậu nành và sữa khác trong khẩu phần ăn hàng ngày để giảm lượng tối thiểu lượng khí sinh ra trong bụng trẻ.

>> Xem chi tiết: Trẻ sơ sinh bị đi ngoài mẹ nên ăn gì để con nhanh khỏi?

Khi nào mẹ nên đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?

Mẹ hãy tìm sự giúp đỡ của bác sĩ để con được thăm khám và đánh giá một cách chính xác khi bé bị tiêu chảy kèm các dấu hiệu sau:

  • Nếu bé có sốt.
  • Nếu bé nôn hơn 12 tiếng.
  • Nếu bé có dấu hiệu mất nước [môi khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, vật vã, kích thích,…]
  • Nếu phân có máu hoặc nhầy hoặc có màu đen.
  • Nếu phân có mùi thối hoặc giống có mỡ.
  • Nếu tiêu chảy nặng hơn 48 giờ.
  • Nếu bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi hãy gọi bác sĩ càng sớm càng tốt khi bé bị tiêu chảy hoặc nôn.

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy là điều mà các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Bởi, hệ quả của nó mang lại rất nghiêm trọng cũng như khiến bé con bị khó chịu, đau đớn. Vậy nên để nhận biết được điều đó, bài viết đã cung cấp đầy đủ dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, cũng như các phương pháp phòng ngừa, chế độ ăn phù hợp cho cả mẹ và bé trong giai đoạn này. Huggies luôn mong rằng mẹ và bé sẽ luôn khỏe mạnh và nhận được những điều hạnh phúc nhất!

Nếu mẹ còn ngàn câu hỏi đang phân vân cần lời giải đáp. Hãy nhanh chóng gửi câu hỏi của mình về các Chuyên gia Huggies® hoặc tham khảo Chăm sóc trẻ sơ sinh.

Tìm hiểu thêm: Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh qua từng tháng hoặc Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nguồn tham khảo:

//www.healthline.com/health/baby/baby-diarrhea

//www.webmd.com/parenting/baby/baby-diarrhea-causes-treatment

//medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000691.htm

Chủ Đề