Thuốc trị nấc cụt người lớn

Ngoài chuyện gây khó chịu, nấc cụt thật ra vô hại đối với sức khỏe và thường tự hết sau vài giây hoặc vài phút nhưng khi mắc, ai cũng muốn xử lý nó ngay lập tức.

Nấc cụt là hiện tượng xảy ra khi bạn hít sâu một cách đột ngột mà không có chủ đích. Nấc cụt xuất hiện khi cơ hoành đột nhiên co thắt khiến cho các cơ ngực hoạt động mạnh liên tục. Chưa đến một giây sau – chính xác là 35 miligiây – khoảng trống giữa 2 dây thanh âm của bạn đột ngột đóng lại, và từ đó phát âm ra tiếng "nấc cụt".

Nghe thì rất thú vị nhưng sẽ chẳng vui chút nào nếu như chính bạn đang là nạn nhân của chứng nấc cụt. Ngoài chuyện gây khó chịu, nấc cụt thật ra là vô hại đối với sức khỏe và thường tự hết sau vài giây hoặc vài phút.

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân thật sự gây ra chứng nấc cụt vẫn chưa được biết rõ. Người ta cho rằng nấc cụt là do sự kích thích thần kinh phế vị [kiểm soát chức năng thở] hoặc thần kinh hoành [kiểm soát hoạt động của cơ hoành].

Điều này giúp giải thích tại sao bạn thường hay bị nấc cụt mỗi khi ăn quá nhiều, hoặc khi vô tình nuốt vào bụng nhiều không khí, ăn thức ăn quá cay, uống nhiều nước ngọt có ga, xúc động đột ngột, gặp nhiều stress trong cuộc sống.

Những điều thú vị của nấc cụt mà có thể bạn chưa biết:

• Thường xảy ra nhiều nhất vào buổi tối

• Thường xảy ra trước khi hành kinh đối với phụ nữ

• Chỉ ảnh hưởng tới nửa cơ hoành – 80% trong suốt quá trình bị nấc cụt, thường là bên trái.

Làm thế nào để trị nấc cụt? Một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn xua đi cơn nấc cục khó chịu một cách hiệu quả.

Hít vào, hít vào, và hít vào thêm nữa

Bác sĩ Luc G. Morris và các cộng sự đã thành công 100% khi áp dụng phương pháp tăng nồng độ khí carbon dioxide, dãn cơ hoành, và tăng áp lực dương đường thở để điều trị nấc cụt. Họ gọi đây là phương pháp "hít vào cực đại" [supra-supramaximal inspiration].

Cách làm như sau: Bạn hãy hít một hơi thật sâu, sau đó giữ trong 10 giây. Tiếp tục hít vào và giữ trong 5 giây mà không thở hơi cũ ra. Lần thứ ba, tiếp tục hít vào thêm nữa và giữ trong 5 giây mà không thở ra luồng hơi cũ. Phương pháp này đạt hiệu quả đối với những bệnh nhân phải nhập cấp cứu vì nấc cụt liên tục, bác sĩ Morris cho biết.

Cúi người uống nước

"Tôi trị nấc cụt bằng cách ngậm một ngụm nước, cúi xuống, và nuốt ngụm nước vào cổ họng ngược từ dưới lên." Theo bác sĩ Richard McCallum. "Nó luôn luôn hiệu quả và tôi luôn đề nghị phương pháp này với các bệnh nhân của mình".

Nuốt đường

"Một phương pháp trị nấc cụt mà tôi thấy rất tốt là nuốt trọn một thìa đường" – theo bác sĩ André Dubois. "phương pháp này sẽ giúp trị nấc cụt trong 1 phút". Đường trong miệng có tác dụng giúp ổn định các xung động thần kinh, qua đó cơ hoành được ổn định, không còn co thắt liên tục do các xung kích thích.

Giữ và nuốt

Hít một hơi thật sâu và giữ luồng hơi của bạn càng lâu càng tốt, nuốt khi bạn cảm nhận thấy có một cơn nấc cục sắp đến – theo chuyên gia thảo dược Betty Shaver. Làm lại từ 2 đến 3 lần cho đến khi cơn nấc cụt không còn nữa.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Một nguyên nhân thường gặp của nấc cụt thường xuyên là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Lúc này, bạn cần phải đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ mình bị bệnh này để điều trị triệt để nguyên nhân gây ra nấc cụt.

Thử nhiều cách trị nấc cụt khác nhau trong dân gian

Tiết lộ với bạn, ở những bước đầu, các bác sĩ tiếp cận với chứng nấc cục giống y hệt với những gì chúng ta thường làm – bằng cách thử nhiều phương pháp trị nấc cụt khác nhau trong dân gian cho đến khi có hiệu quả.

• Kéo mạnh lưỡi. Nâng lưỡi gà bằng thìa.

• Dùng tăm bông chạm tầng trên của thành họng nơi ranh giới của khẩu cái cứng và mềm.

• Nhai và nuốt bánh mì khô.

• Nén lồng ngực bằng co đầu gối hoặc cúi người về phía trước.

• Súc miệng với nước.

• Nín thở.

• Hút đá bào bằng ống hút.

• Đặt một túi đá chườm lên cơ hoành ở dưới xương sườn.

Nín thở cũng là cách chữa nấc cụt hiệu quả

Khi nào bạn cần phải đi gặp bác sĩ?

Hãy tìm đến các bác sĩ khi nấc cụt xảy ra kéo dài hơn 48 giờ, hoặc chúng ảnh hưởng đến khả năng hít thở hay ăn uống của bạn. Có nhiều loại thuốc mà bác sĩ có thể sử dụng để điều trị nấc cụt, như thuốc chống co giật và thuốc an thần. Hay phương pháp massage toàn thân cũng có thể có hiệu quả.

Hỏi

Chào bác sĩ! Em bị nấc cụt gần 4 tháng nay mà vẫn chưa khỏi. Em đã dùng nhiều bài thuốc dân gian nhưng đều không được. Em có đi khám bệnh viện nhưng đều không biết được nguyên nhân. Em đã có gặp bác sĩ và bác sĩ bảo em bị co thắt cơ hoành rồi lấy thuốc cho em uống thì em thấy có chuyển biến tốt nhưng khi hết thuốc em lại bị lại. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em nấc cụt kéo dài, tái đi tái lại uống thuốc không khỏi phải làm sao? Em xin cảm ơn.

Phạm Viết Phố, 1991

Trả lời

Chào bạn. Theo như bạn mô tả, bạn bị nấc cụt kéo dài, tái đi tái lại uống thuốc không khỏi. Nấc cụt xảy ra là do tác nhân nào đó kích thích cơ hoành gây co thắt. Nấc cụt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như bạn ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh, ăn thức ăn cay hay uống đồ uống có ga hoặc chứa cồn, thay đổi nhiệt độ đột ngột, cảm thấy hồi hộp hay phấn khích quá mức, căng thẳng...

Bạn đã thăm khám bác sĩ đã tư vấn điều trị nấc cụt cho bạn có giảm nhưng khi ngưng thuốc bị lại, bạn nên tái khám lại để bác sĩ tìm những nguyên nhân khác gây nấc cụt kéo dài cho bạn như: trào ngược dạ dày thực quản, đau rát họng, vật lạ trong tai gây kích thích màng nhĩ, bướu cổ, u hay nang ở thực quản và các nguyên nhân khác có liên quan đến não và tủy sống...

Bạn cũng đừng quá lo lắng vì phần lớn nấc cục là bệnh lành tính, nhưng bạn phải tái khám lại bác sĩ và trước tiên là bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa để xem có phải nguyên nhân do đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản... Nếu không có vấn đề về tiêu hóa bác sĩ sẽ tư vấn cho em khám chuyên khoa khác.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng!

Được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Chủ Đề