Sách về giáo dục Steiner

Privacy & Cookies

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Nói dễ hiểu hơn là phương pháp giáo dục Steiner mang lại điều gì? [cho cá nhân, cộng đồng và xã hội].

Trước khi có câu trả lời thì mình mời các bạn tham khảo một chút về quan điểm của Steiner về xã hội 3 phần, trích từ cuốn sách: The-educational-Tasks-and-content-of-the-Steiner-Waldorf-Curriculum [Tạm dịch: nhiệm vụ và nội dung của chương trình giáo dục Waldorf Steiner, Phần lãnh đạo và quản lý trường].

Ý tưởng của Steiner về tái cấu trúc chính trị đã gây được ảnh hưởng nhất định nhưng cuối cùng vẫn bị chìm ngập trong những cơn bão kéo đến sau làn sóng xung đột vũ trang và Hiệp định Versailles. Trọng tâm trong quan điểm của Steiner về một xã hội có trật tự tốt đẹp là nó tương thích với ba nguyên tắc về hệ thống vật lý và tâm lý của con người mà chúng ta đã mô tả trước đó: đầu, hoặc hệ thần kinh/cảm nhận; tim hay hệ hô hấp/cảm giác; và tay, tứ chi/mong muốn, ý chí. Ông gọi chúng là trật tự xã hội ba mặt [threefold], nhưng luôn nhấn mạnh rằng mặc dù mô hình ba mặt có thể giúp chúng ta hiểu về động lực xã hội và tương xác xã hội, nhưng chính bản thân trật tự xã hội ba mặt cũng cần phải được áp dụng lên chính phủ của một quốc gia và không thể được hoàn thiện bên trong các tổ chức của cá nhân.

Tuy nhiên, ý tưởng chủ đạo của việc phân biệt các lĩnh vực quản lý chính phủ dựa theo khẩu hiệu ba điều của Cách mạng Pháp [tự do, bình đẳng, bác ái] nhằm xây dựng nên một đời sống xã hội nhân văn hơn và ít phân chia giai cấp hơn là một trong những cách mà các trường Steiner-Waldorf nỗ lực để dung hòa chương trình giảng dạy tường minh [những gì được giảng dạy] với chương trình giảng dạy hàm ý [ngữ cảnh, hoặc đặc tính của tổ chức và quản lý dưới dạng bài học thực tế]. Steiner mô tả ba lĩnh vực chính của đời sống xã hội, đó là 1:kinh tế, 2:pháp luật và chính trị, 3:văn hóa và tâm linh. Từng mảng trên luôn tồn tại cùng với nhau và độc lập với nhau. Nhưng mỗi mảng lại có một nguyên tắc hoạt động cơ bản: về mặt văn hóa-tâm linh là sự tự do và đổi mới; về mặt pháp luật và chính trị là bình đẳng và công minh; về mặt kinh tế là liên kết và hợp tác. Khi một nguyên tắc hoạt động được áp dụng cho lĩnh vực tương thích với nó, nó tạo nên tương tác xã hội lành mạnh, nâng cao thế giới đời sống, khái niệm do triết gia Edmund Husserl đưa ra. Nếu được áp dụng theo cách không thích hợp, những nguyên tắc trên có thể dẫn tới mất cân bằng và xung đột xã hội. Ví dụ, sự tự do không kiểm soát áp dụng lên hoạt động kinh tế dẫn tới mất cân bằng trong việc khai thác và phá hủy môi trường. Công bằng, được áp vào văn hóa sản xuất sẽ làm giảm sức sáng tạo dẫn tới sự chối bỏ các biểu hiện cá thể và đồng nhất một cách ép buộc [ví dụ như xã hội chủ nghĩa dưới thời Stalin, hay nghệ thuật phát xít]. Còn nếu đời sống tổ chức hoặc chính trị thiếu hoặc yếu về chính nghĩa và công bằng, sự thiếu tôn trọng nhân quyền sẽ dẫn đến mọi hình thức áp bức.

Thế nên, vì giáo dục là hoạt động nằm trong đời sống văn hóa của một cộng đồng, mối quan tâm cơ bản của Steiner là đảm bảo chương trình giảng dạy và phương hướng giáo dục được giao vào tay những nhà giáo chứ không phải những nhà chính trị hay thương gia. Theo quan điểm của ông, giáo dục nên tách biệt khỏi ảnh hưởng kinh tế, chính trị, và nên được mọi người tiếp cận tự do.

Một mối quan hệ lành mạnh giữa nhà trường và xã hội chỉ tồn tại khi xã hội liên tục cung cấp những cá nhân tiềm năng và tươi mới, những người được hệ thống giáo dục giúp họ phát triển không ngừng. Điều này có thể được thực hiện nếu nhà trường và toàn bộ hệ thống giáo dục được đặt trong cơ chế tự quản lý bên trong một tổ chức xã hội. Cơ quan chính phủ và nền kinh tế phải tiếp nhận những con người được giáo dục một cách tự do và độc lập; họ không được quyền ép buộc mong muốn của họ vào phương pháp và nội dung giáo dục.

Steiner còn lập luận rằng việc tự quản lý sẽ đảm bảo một tổ chức có tính văn hóa tự do như trường học sẽ gần gũi hơn với thực tế. Sự đổi mới xã hội trong thực tế đòi hỏi xã hội đó phải chấp nhận rủi ro rằng hệ thống giáo dục được độc lập và dựa trên những nghiên cứu đang tiến hành về bản chất con người vốn là một loài biết học tập, sẽ đào tạo ra những cá nhân chủ động và độc lập về tư duy. Tới điểm này, ông tranh luận ủng hộ một nền giáo dục hoàn toàn tách biệt khỏi bộ máy quan liêu và công nghiệp của chính phủ:

Vị trí và chức năng của các nhà giáo dục trong xã hội chỉ nên phụ thuộc vào thẩm quyền của những người tham gia vào lĩnh vực đó. Quyền quản lý của một cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục và mục đích của giáo dục chỉ nên nằm trong tay những người trực tiếp tham gia giảng dạy hoặc tạo ra ích lợi trong đời sống văn hóa. Trong từng trường hợp, những người đó sẽ chia thời gian của họ ra cho việc giảng dạy [hoặc những hình thức sản xuất văn hóa khác] và cho quản lý hệ thống giáo dục.

Tuy phát biểu như vậy, nhưng Steiner cũng nói tới sự cần thiết của sự thỏa hiệp có lợi: không trường học nào có thể tồn tại riêng rẽ và sự thống lĩnh của nhóm lợi ích thiểu số không nên tồn tại. Với ông, nhiệm vụ xã hội chỉ có thể đạt được trong và cho xã hội mà nó thuộc về. Ví dụ, ông lập một thỏa thuận với nhà chức trách giáo dục địa phương, đảm bảo sự thành công của học sinh ở giai đoạn then chốt. Phương pháp giáo dục Waldorf đóng vai trò như một thành phần tích cực trong văn hóa chung, tham gia, đại diện cho quan điểm của mình về sự phát triển của trẻ nhỏ, chứ không phải từ bỏ bản sắc của chính nó.

Hôm qua mình ngồi với một anh nghiên cứu nhiều về xã hội học, anh chia sẻ rất nhiều mô hình và trường phái, khi nghe mình nói qua về mô hình xã hội của Steiner anh rất đắc ý, và có nhận xét rất gần với suy nghĩ của mình: Steiner nhìn rất sâu rất rộng nhưng cũng rất thực tiễn. Thực tế như vậy, suốt cuộc đời của mình, Steiner đã giảng rất nhiều, tập kết lại được khoảng 300 cuốn sách. Đặc biệt giai đoạn cuối ông giảng về các nội dung mang tính ứng dụng vào cuộc sống như giáo dục, nông nghiệp, y dược, vv Mình tin Steiner cũng là một bậc tu chứng, có thể chưa bằng Đức Phật nhưng có những năng lực tâm linh giúp nhìn sâu và rộng. Steiner cách chúng ta chỉ 100 năm, là một tiến sĩ nên những gì ông để lại được diễn tả dưới ngôn ngữ hiện đại, khoa học và mang tính ứng dụng cao.

Các bạn có thể xem thêm một số bài viết, các bạn cần tham gia group Thảo luận Anthroposophy [không yêu cầu điều kiện gì] để đọc vì có vài bài viết là ở trong group này.

Đây là suy nghĩ của mình, ý nghĩa của phương pháp giáo dục Steiner:

Ở góc độ cá nhân, những học sinh, là những người được tiếp nhận phương pháp giáo dục này, khi tốt nghiệp trường Steiner sẽ sở hữu những phẩm chất như hiểu rõ bản thân, biết định hướng cuộc đời, có tư duy sáng tạo, tư duy phản biển, có sự nhạy cảm, tự tin, đánh giá cao các mối quan hệ, khoan dung, đạo đức, vv [theo kết quả khảo sát thực tế]. Sở hữu những đức tính này để làm gì? Để cho các em sống một cách có ý nghĩa, tự do, hạnh phúc, và như thầy Phan Tất Thứ có nhắc đến, để các em tự hoàn thiện bài học và hoàn thành sứ mệnh cuộc đời đã định từ trước khi sinh ra.Chị Phan Hồ Điệp đã đến trường Cây Bàng và có 1 bài review lên báo rồi thì phải, lúc nào phải tìm lại. Các bạn cũng có thể đến các trường Steiner để quan sát và cảm nhận về môi trường và các em học sinh, đặc biệt là những học sinh đã học một thời gian dài.

Ở góc độ cá nhân, những giáo viên, là những người được đào tạo và huấn luyện để thực hiện phương pháp giáo dục này cũng sở hữu những đức tính tương tự, một lý do đơn giản là phải làm gương, ngoài ra thì có rất nhiều hoạt động khác nữa mà người giáo viên phải làm như thiền đầu ngày, thiền cuối ngày, đọc verse, múa, sáng tác thơ, truyện, bài hát, rồi đàn, ca, sáo, nhị, đan, đục, vẽ, may, Tất cả những hoạt động đó khiến con người giáo viên thay đổi. Mình đã nghe nhiều nhận xét về sự thay đổi của các cô giáo sau thời gian được học và được làm giáo viên trong trường Steiner. Các bạn cũng có thể tự gặp và tìm hiểu thêm.

Ở góc độ cộng đồng nhỏ, là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tương tác với phương pháp giáo dục này: cũng có những sự thay đổi. Trong một buổi chia sẻ của chị Hương ở trường KOI, một bạn tham dự đã nói rằng chị may mắn vì có những phụ huynh tuyệt vời, chị Hương trả lời rằng không em ạ, ngày xưa không được như thế này đâu. Phụ huynh ở các trường khác cũng vậy, đi một lượt các fanpage của các trường mà xem.

Ở góc độ xã hội, [ý nghĩa lớn nhất], áp dụng phương pháp giáo dục Steiner là chúng ta đang từng bước xây dựng một xã hội Tự do bình đẳng bác ái [nói theo ngôn ngữ phương Tây], một thiên đường dưới hạ giới [nói theo ngôn ngữ phương Đông], một thế giới cực lạc ngay trong đời sống này [nói theo ngôn ngữ Phật giáo]. Đó chính là ý nghĩa lớn nhất của phương pháp Steiner, và cũng chính là mục đích ngay từ ban đầu của phương pháp này. Khi Steiner chia sẻ quan điểm về mô hình xã hội 3 phần, người ta đã hỏi làm thế nào để có những con người tự do [tự tin] bình đắng [tôn trọng] bác ái [yêu thương] thì Steiner đã tập hợp các Tiến sĩ lại và dẫn dắt họ triển khai phương pháp giáo dục này. Trường Waldorf Steiner đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh đó.

Thực tế là trường Steiner đi đến đâu, thì có những trẻ em được học theo Steiner, có những cô giáo được đào tạo làm giáo viên Steiner, có những cộng đồng phụ huynh theo Steiner và dần dần vòng tròn năng lượng sẽ mở rộng ra.

Tại sao mình viết bài chia sẻ này?

Trong khóa học về Startup của thầy Vince Tan, một triệu phú đã Start up rất thành công nhiều dự án, mình học được 1 điều: Khi chữ WHY đủ lớn, chữ HOW sẽ xuất hiện. Mình chia sẻ bài viết này với kỳ vọng khi hiểu thêm lý do TẠI SAO thì câu trả lời LÀM NHƯ THẾ NÀO sẽ xuất hiện và sẽ có thêm nhiều người mới quan tâm, tìm hiểu và tham gia cộng đồng Steiner, và có thêm nhiều sự hợp tác trong nội bộ cộng đồng Steiner, mọi người đã tương tác và hỗ trợ nhau nhiều, nhưng vẫn có thể hợp tác và hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.

Rất mong chúng ta sẽ cùng nhau phát triển phương pháp này vì chính mình, vì con mình, vì gia đình mình và vì cả xã hội nữa, một xã hội Tự Do Bình Đẳng Bác Ái.

Hãy kết nối với mình để cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung Gia đình Steiner nhé.

Video liên quan

Chủ Đề