Những sai lầm trong cải cách ruộng đất

Hình ảnh về cuộc Cải cách ruộng đất lần đầu tiên được công bố và trưng bày tại Hà Nội đem lại những cảm xúc khác nhau cho người xem về một giai đoạn lịch sử đau thương và xáo trộn.

Ngày thứ ba của cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 tại Bảo tàng lịch sử quốc gia [25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội], lượng người đến tham quan đông hơn cả ngày khai mạc. 150 hiện vật được trưng bày trên diện tích 230 m2. Một phần ba số hiện vật thể hiện hình ảnh nông thôn Việt Nam trước cuộc cải cách. Đó là hai mảng đối lập nhau về cuộc sống của địa chủ và bần cố nông. Trung tâm cuộc triển lãm là những tài liệu về chủ trương thực hiện cải cách, nêu sai lầm và sửa chữa sai lầm của Đảng. Phần lớn không gian còn lại thể hiện thành quả của cuộc cải cách.

Nhiều cụ già 70-80 tuổi đến để vừa xem triển lãm, vừa hồi tưởng quá khứ một thời không dễ quên.

Nhiều người cao tuổi sống trong thời kỳ cải cách ruộng đất đến triển lãm, chia sẻ những câu chuyện họ từng chứng kiến. Ảnh: Hoàng Phương.

Nhìn những hiện vật, ông Nguyễn Hoành [76 tuổi] kể, thời niên thiếu ông theo gia đình tản cư từ Hà Nội về Nông Cống [Thanh Hóa] sống thời gian khá dài. Chứng kiến công cuộc cải cách kéo dài "chấn động" cả vùng quê, ông Hoành nhận xét: "Đó là thời kỳ của cuộc đấu tố ở nông thôn, không khí hết sức ngột ngạt".

Cậu bé Hoành mới 12 tuổi khi ấy được chứng kiến cảnh người nông dân háo hức lúc được chia ruộng, người người hăng hái với khẩu hiệu cổ động nâng cao sản xuất. Ngược lại, địa chủ vùng nông thôn bị đấu tố, tịch thu tài sản chia cho dân cày. Mỗi lần có địa chủ bị đấu tố là người lớn, trẻ con trong làng đi xem rất đông.

"Cải cách đã đem lại ruộng đất cho nông dân, địa chủ bị xóa bỏ. Nhưng trong quá trình thực thi, nhiều nơi nóng vội, mắc sai lầm. Sau này, Trung ương nhận ra khuyết điểm đó nên sửa sai. Tôi tưởng những tư liệu đó sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm này, nhưng không thấy nên khá hụt hẫng", ông Hoành nói và cho rằng tư liệu đó nên trưng bày để cho nhân dân biết Đảng đã sửa sai, rút kinh nghiệm như thế nào.

Đứng cạnh gian triển lãm nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Dương Tý [72 tuổi] chăm chú ngắm nhìn. Mấy chục năm rồi ông mới lại được nhìn thấy những sập gụ, áo the, tay gẩy thuốc phiện của địa chủ đối lập với nhà tranh vách đất, quần áo vá chằng vá đụp của người nông dân. Vốn người Tân Hồng [Từ Sơn, Bắc Ninh], gia đình ông Tý thuộc thành phần bần nông, khi chia ruộng nhà ông được vài sào, sau này lại nhập vào hợp tác xã.

Tài sản chia cho gia đình nghèo như nhà ông Tý được tịch thu từ những nhà giàu trong làng và từ thực dân chiếm giữ trước đó. "Mỗi lần nghe tiếng kẻng, thầy u tôi lại ra đình họp đấu tố. Lũ trẻ chúng tôi chạy theo sau, làm nhiệm vụ gõ trống, hô vang khẩu hiệu", ông Tý trầm giọng kể.

Ông Nguyễn Dương Tý [72 tuổi] chăm chú xem lại những khoảnh khắc của cuộc cải cách ruộng đất. Ảnh: Hoàng Phương.

Bên cạnh đó nhiều câu chuyện buồn cũng được các cụ già tóc bạc, da mồi kể lại. Lớp con cháu tuổi trung niên, thanh niên đứng xung quanh, chăm chú lắng nghe.

Bà Phạm Thị Mai [62 tuổi], quê Song Lãng [Vũ Thư, Thái Bình] nhớ mãi chuyện của người bạn học. Bạn bà vốn là con địa chủ bị đấu tố. Ruộng đất, nhà cửa chia cho những gia đình bần cố nông trong làng. Ngày đi học, khi bạn bè cùng trang lứa nói chuyện, chơi với nhau thì người bạn ấy ngồi lặng lẽ không dám gần ai. "Sau này, chúng tôi vào đại học nhưng cậu ấy thì không bởi trong lý lịch ghi là thành phần địa chủ dù lực học rất khá. Bạn xuống Hải Phòng làm công nhân, giờ cuộc sống cũng được gọi là tạm ổn định", bà Mai thở dài. Theo bà, chính sách cho những gia đình bị oan sai còn chưa được thực hiện đầy đủ.

Chỉ lên bức ảnh nông dân được chia lại ruộng đất, đằng sau là khẩu hiệu "Địa chủ hết đời, nông dân vạn đại", người đàn ông 74 tuổi quê Diễn Châu [Nghệ An] chia sẻ, giá như nó được sửa lại là "Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại" với ý nghĩa khẳng định sự chấm dứt một thời kỳ áp bức của địa chủ nông thôn với nông dân thì sẽ hay hơn. Không muốn nhắc lại khoảng thời gian buồn đau của gia đình khi ông, cha đều bị đem ra đấu tố, ông ví "thời kỳ 1953-1956 như trận lũ quét qua nông thôn Việt Nam".

Nhiều người đến triển lãm có nhận xét gian trưng bày "Sai lầm và sửa chữa sai lầm" còn quá ít hiện vật. Toàn bộ 150 hiện vật chỉ như một nét chấm phá trên bức tranh lớn về cuộc cải cách ruộng đất thời bấy giờ. Trong cuốn sổ ghi cảm nghĩ của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, ông Phạm Trung viết: "Tôi chưa thỏa mãn với những thông tin, hình ảnh, ánh sáng và cách trưng bày. Rất tiếc khi có cơ hội lại không được cung cấp thêm những hiểu biết chân thực về lịch sử, một giai đoạn đau buồn của dân tộc".

Năm 1956, những sai lầm trong cải cách ruộng đất được phát hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nói rõ thắng lợi và sai lầm của cuộc vận động. Ảnh: Quý Đoàn.

Có mặt tại buổi triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc nói về cuộc cải cách ruộng đất 1946-1957 thời gian này là việc làm đáng ghi nhận. Ông không bất ngờ khi thấy nhiều người dân đến xem triển lãm bởi đó chính là thước đo cho thấy mối quan tâm và sự đòi hỏi rất cao của người dân với những điều cần nói thẳng, nói thật của lịch sử. "Với những vấn đề này, chúng ta không nên né tránh để ít nhất nhân dân không nghi ngờ về quá khứ", nhà sử học nói. 

Cải cách ruộng đất thời kỳ 1946-1957 được tiến hành qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 năm 1946-1949: Thực hiện tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày. Giai đoạn 2 năm 1950-1953: Cắt giảm địa tô, bãi bỏ khoản tiền thuê ruộng, hoãn nợ cho nông dân, đánh thuế nặng với địa chủ. Giai đoạn 3 năm 1954-1957: Giai đoạn này thực hiện ở miền Bắc, phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để bằng các hình thức như hiến ruộng đất, chia ruộng cho tầng lớp cố nông, bần nông, trung nông, tầng lớp dưới.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 [tháng 10/1956], Bộ Chính trị đã nêu lên một số sai lầm có tính nguyên tắc do không bám sát thực tế, chủ quan, nóng vội dẫn đến nhiều xáo trộn, oan sai... Từ đó, Trung ương Đảng đã đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh sửa sai, khôi phục danh dự, xét lại án sai, bù đắp... cho những người bị oan.

Hoàng Phương

  • Lần đầu tiên công bố hình ảnh cải cách ruộng đất

Đảng ta đã dũng cảm tự nhìn nhận vào những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chấn chỉnh, để có thêm niềm tin yêu từ nhân dân.

Trong chặng đường 90 năm vẻ vang của Đảng, đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra để Đảng mạnh thêm, để dân thêm tin yêu Đảng, những bài học trong thực hiện cải cách ruộng đất là một ví dụ điển hình. Tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định: Thực hiện cải cách ruộng đất của Đảng, tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn đế quốc xâm lược khác, xóa bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân. Dù có thành công, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện đã có cả sai lầm. Với bản lĩnh và dũng khí của mình, Đảng ta đã sớm nhận ra sai lầm và quyết tâm sữa chữa sai lầm, lấy lại lòng tin của dân vào Đảng. Đó là bài học quý cho công tác xây dựng Đảng của Đảng ta.

Nhìn lại cải cách ruộng đất [thời kỳ 1954 -1957] các nhà khoa học lịch sử, các chuyên gia xây dựng Đảng cho rằng, chủ trương cải cách ruộng đất là đúng với tình hình cách mạng lúc đó, song đáng tiếc trong tổ chức thực hiện đã có những sai lầm cả về tư duy và phương pháp, có biểu hiện tả khuynh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ… Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cải cách ruộng đất chỉ là một phần trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nhằm phân chia lại đất đai cho người nghèo. Ý nghĩa thì tốt, nhưng do nóng vội và học tập máy móc cách làm của nước ngoài, lại buông lỏng kiểm tra giám sát, có biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực thi chính sách… dẫn đến kết quả không như mong muốn.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, cải cách ruộng đất đã đem lại những kết quả mang tính chiến lược, nhưng trong thực hiện gặp phải sai lầm. Và, Đảng ta đã sớm nhận ra sai lầm, dũng cảm nhận lỗi trước đồng bào, kiên quyết sửa sai. Đó là dũng khí của Đảng Cộng sản. Chính với dũng khí đó mà Đảng ta đã lấy lại lòng tin cuả nhân dân và tiếp tục lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi trên mọi mặt trận.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: "Phải thừa nhận cải cách ruộng đất đã mang lại thắng lợi đưa thực hiện được mục tiêu chiến lược mà cương lĩnh năm 30 đã nêu ra là cách mạng thổ địa, thực hiện khẩu hiệu dân cày có ruộng. Khi thực hiện cải cách ruộng đất có một số sai lầm, cường điệu hóa đấu tranh giai cấp nên đã quá tải, quy sai nhiều thành phần, xử lý oan đối với một số cán bộ, đảng viên của Đảng… Điều này đã được Đảng nhận ra vào cuối năm 1956 và đã tiến hành công khai những sai sót và sửa sai chỉnh đốn tổ chức một cách nghiêm túc và hiệu quả".

Hội nghị Trung ương 10 Khóa II [tháng 10/1956], nhận định: “Bộ Chính trị đã nêu lên một số sai lầm có tính nguyên tắc trong cải cách rộng đất; do không bám sát thực tế, chủ quan, nóng vội dẫn đến nhiều xáo trộn, oan sai...”. Sau đó Trung ương Đảng đã đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh sửa sai, khôi phục danh dự, xét lại án sai, bù đắp cho những người bị oan; đồng thời các lãnh đạo cao nhất trong Ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật nghiêm. Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; ông Hoàng Quốc Việt thôi Ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Lê Văn Lương rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng… Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công khai khuyết điểm, sai lầm và thực hiện kỷ luật nghiêm đối với cán bộ cao cấp của Đảng không những thể hiện bản lĩnh của Đảng Cộng sản chân chính, mà còn cho thấy sự tiên phong gương mẫu, dám chịu trách nhiệm của những người cộng sản. Chính điều đó, cùng với thái độ quyết liệt trong sửa sai đã lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng, giữ vững được khối đại đoàn kết dân tộc.

ThS Nguyễn Ngọc Tâm - Giảng viên khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: "Thái độ chân thành, nhìn thẳng vào sự thật nói rõ sự thật, dám nhận trách nhiệm, thực hiện kỷ luật nghiêm, nên Đảng ta đã nhận được sự đồng tình của ủng hộ cả nhân dân. Chỉ sau hai năm việc sửa sai, chỉnh đốn Đảng đã hoàn thành".

Ông Đinh Quốc Thị, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú [tỉnh Hà Tĩnh] nhận xét: Việc Trung ương Đảng, Bác Hồ công khai nhận sai lầm và nghiêm túc phê bình, kiểm điểm, sửa sai kịp thời là những ứng xử tuyệt vời… Chính những điều đó mà Đảng Cộng sản giữ được vị trí “tối thượng” trong lòng nhân dân.

Từ thành công, sai lầm và sửa sai của Đảng trong cải cách ruộng đất, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học quý về lý luận cũng như thực tiễn trong quá trình lãnh đạo. Trước hết, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh phải kiên quyết chống chủ nghĩa chủ quan, khắc phục chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, xây dựng tác phong, lề lối làm việc sát với nhân dân và thực tiễn cuộc sống, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, phát huy tính sáng tạo cách mạng của toàn Đảng trong việc đề ra và thực hiện đường lối, phương châm, chính sách. Đặc biệt, phải luôn nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, thực hiện tốt tự phê bình, và phê bình, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thực, nói rõ sự thực và quyết tâm sửa sai của Bác Hồ, của Đảng ta trong cải cách ruộng đất đã và đang được Đảng ta phát huy trong các giai đoạn tiếp theo của cách mạng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh: "Thái độ chân thành nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Tinh thần đó đã thể hiện sự chân thành của Đảng và sự nêu gương của lãnh đạo, đó là một thành công và bài học tốt cho xây dựng Đảng. Nhìn thẳng sự thật nghiêm túc phê bình đã lan tỏa đến các giai đoạn sau này. Những điều đó chỉ có lợi cho Đảng, cho cách mạng".

Cải cách ruộng đất nhằm phân chia lại đất đai cho người nghèo, thực hiện được khẩu hiệu “dân cày có ruộng”. Cuộc vận động ấy cǎn bản đã thắng lợi, Đảng ta đã nhìn thấy sai lầm, nghiêm túc nhận sai lầm và quyết tâm sữa chữa, đó là điều đáng trân trọng và là những bài học quý giá để Đảng ngày càng trưởng thành tiếp tục "lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo" như nhận định và lòng tin của nhân dân về chính đảng của mình./.

Theo: vov.vn

Video liên quan

Chủ Đề