Nhãn có bao nhiêu dương?

Bên cạnh công dụng là một loại cây ăn quả, nhãn đồng thời cũng là một cây thuốc quý. Hãy cùng tìm hiểu những công dụng nổi bật mà nhãn mang lại cho sức khỏe của quả nhãn qua bài viết của dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy nhé!

Nội dung bài viết

Nhãn và những điều có thể bạn chưa biết

Nguồn gốc của quả nhãn

Nhãn là loài cây cận nhiệt đới lâu năm thuộc họ Bồ hòn [Sapindaceae] có tên khoa học là Dimocarpus longan, có xuất xứ từ miền nam Trung Quốc.

Cho đến nay vẫn còn có những ý kiển khác nhau về nguồn gốc của nhãn, có thể ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây [Trung Quốc], hoặc có thể từ Ấn Độ sau đó mới được đem đi trồng ở Malaysia và Trung Quốc, có tác giả lại cho rằng Kalimantan [Indonesia] cũng là cái nôi của nhãn.

Nhãn là cây á nhiệt đới và nhiệt đới, có thể trồng được trong vùng khí hậu ở đường xích đạo đến vĩ tuyến 28-36. Mặc dù vậy, chỉ có một số nước trồng với diện tích lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Myanma, Ấn Độ, Malaysia,…

Nhãn được trồng khá phổ biển ở Việt Nam dọc theo suốt chiều dài của đất nước từ Bắc chí Nam. Trồng nhãn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, do đó những năm gần đây diện tích trồng nhãn phát triển khá nhanh.

Ước đoán hiện nay diện tích trồng nhân ở nước ta vào khoảng 70 – 80 ngàn ha, 2/3 trong số này ở các tỉnh phía Nam.

Đây là loại trái cây có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc

Các loại nhãn

Ở Việt Nam có một số loại nhãn như:

1. Nhãn xuồng cơm vàng

Ở Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có giống nhãn xuồng cơm vàng, được thị trường ưa chuộng, được trồng bằng hạt, cùi dày, màu hanh vàng, ráo nước, dòn, rất ngọt. Đặc điểm dễ nhận diện là quả có dạng hình xuồng.

Quả chưa chín gần cuống có màu đỏ. Khi chín vỏ nhãn có màu vàng da bò. Xuồng cơm vàng thích hợp trên vùng đất cát; nếu trồng trên đất sét nhẹ hoặc đất thịt thì nên ghép trên gốc ghép là giống tiêu da bò.

Nhãn xuồng cơm vàng

2. Nhãn lồng Hưng Yên

Có nguồn gốc từ Hưng Yên từng được tiến cung dâng vua và từ lâu đã có tiếng là ngon ngọt. Cũng vì vậy mà còn được gọi là “nhãn tiến”.

Bắt nguồn từ việc khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa giữ cho chim, dơi khỏi ăn nên còn được gọi là “nhãn lồng”. Nhãn lồng Hưng Yên có vỏ gai và dày, vàng sậm, quả to. Cùi nhãn khô, dày, mọng nước, hạt nhỏ, vị thơm ngọt như đường phèn. Đáy quả có hai dẻ cùi lồng xếp rất khít.

Nhãn lồng Hưng Yên

3. Nhãn tiêu da bò

Có nguồn gốc từ Huế và có tên khác là “nhãn quế”. Quả nhỏ, vỏ nhẵn, có màu nâu sáng vàng và, mỏng.

Nhãn tiêu da bò

Nhãn bao nhiêu calo?

Trong 100 g nhãn chứa lượng chất dinh dưỡng như sau:

Các chất dinh dưỡng cơ bản

  • Nước: 86.3 g.
  • Năng lượng: 48 Kcal [ 285 Kcal/100 g nhãn khô].
  • Protein: 0.9 g.
  • Lipid: 0.1 g.
  • Glucid [carbohydrate]: 10.9 g [65.9 g/100 g nhãn khô].
  • Celluloza [Fiber] : 1.0 g.

Vitamin và khoáng chất

  • Canxi [calcium] 21 mg.
  • Sắt [Iron]: 0.40 mg.
  • Magiê [Magnesium]: 10 mg.
  • Mangan [Manganese]: 0.1 mg.
  • Phospho [Phosphorous]: 12 mg.
  • Natri [Sodium]: 26mg.
  • Kẽm [Zinc]: 0.29 mg.
  • Đồng [Copper]: 150 μg.
  • Vitamin C [Ascorbic acid]: 58 mg.
  • Vitamin B1 [Thiamine]: 0.03 mg.
  • Vitamin B2 [Riboflavin]: 0.14 mg.
  • Vitamin PP [Niacin]: 0.3 mg.

Ăn nhãn có tác dụng gì?

Ngăn ngừa các vấn đề về mắt

Riboflavin là loại vitamin nhóm B quan trọng. Nữ giới cần 1,1 mg riboflavin mỗi ngày, và nam giới cần 1,3 mg. Việc không hấp thụ đầy đủ ribofalvin có thể làm tăng nguy cơ rối loạn về mắt, đặc biệt là đục thủy tinh thể theo một nghiên cứu năm 2005. 100 g nhãn khô cung cấp 0,5 mg riboflavin, trong khi 100 g nhãn tươi cung cấp 014 mg.

Giảm căng thẳng, trầm cảm

Nhãn có tác dụng kích thích tim mạch và lá lách hoạt động hiệu quả, làm trẻ hóa quá trình lưu thông máu, cung cấp hiệu ứng làm dịu hệ thần kinh, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Chúng cũng giúp điều trị chứng mất ngủ, trầm cảm và suy nhược thần kinh.

Tăng cường vitamin C

Nhãn là trái cây giàu vitamin C. Trong 100 g nhãn có chứa 58 mg dưỡng chất này, cung cấp 93% lượng vitamin C khuyến cáo hàng ngày cho nam giới và 100% nhu cầu của nữ giới. Vitamin C trong nhãn còn hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch, chống cảm cúm.

Cách sử dụng nhãn

Cũng như các loại trái cây khác, nhãn có thể được dùng tươi hoặc chế biến thành các món ăn như chè, nước giải khát,… Trong Đông y, nhãn cũng là một vị thuốc điều trị một số bệnh như:

Trị mất ngủ, hồi hộp, hay quên: Đảng sâm 12 g, Bạch truật 12 g, Hoàng kỳ 12 g, Phục thần 12 g, Đương quy 8 g, Toan táo nhân 12 g, Mộc hương 4 g [cho sau], Long nhãn nhục 12 g, Chích thảo 4 g, Viễn chí 6 g, sắc nước uống [có thể cho thêm Đại táo và Gừng tươi].

Ôn bổ Tỳ Vị, trợ tinh thần: Long nhãn nhục, ngâm rượu 100 ngày có thể sử dụng, uống hằng ngày.

Trị Tỳ hư, tiêu chảy: Sinh khương 3 lát, Long nhãn khô 14 trái, sắc uống.

Ăn nhãn có tốt không?

Mặc dù nhãn tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi sử dụng nhãn:

Nhãn có nóng không?

Nhãn gây tăng nóng trong, ăn nhiều nhãn sẽ dẫn đến mụn nhọt, mẩn ngứa.

Bà bầu có được ăn nhãn không?

Phụ nữ đang mang thai nên hạn chế ăn nhãn do tăng nóng trong, động huyết động thai, đau tức bụng dưới, ra huyết, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai. Đặc biệt càng phải kiêng ăn long nhãn ở phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến 7, 8 tháng.

Lưu ý

Không nên ăn nhãn ở những người kiểm soát đường huyết kém. Nhãn sẽ gây tích lũy lượng đường cao trong cơ thể cũng dẫn đến không tốt cho người bệnh.

Qua bài viết trên, YouMed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng quả nhãn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!

Chủ Đề