Người ở ngày xưa gọi là gì

Theo quan niệm của người xưa, “Đạo của bậc quân tử”, cũng như “đức hạnh” của người phụ nữ là những chuẩn tắc mà xã hội yêu cầu để tránh cho đạo đức con người không quá nhanh chóng xuống dốc. 

[Ảnh minh họa]

Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay, các quan niệm đó đã có sự thay đổi ít nhiều. Vậy sự thay đổi đó đã và đang diễn ra như thế nào? 

Chúng ta hãy cùng xem một trong những điểm khá nổi bậc, đó là sự thay đổi trong cách xưng hô vợ chồng theo thời gian.

Phụ nữ Trung Quốc cổ đại gọi chồng như thế nào?

Chúng ta biết rằng chữ Hán dựa trên một nền văn hóa vô cùng lâu đời. Thời cổ đại, người phụ nữ thường gọi chồng hoặc người yêu là “Lương nhân” và “Lang quân”, nghe rất nho nhã. 

Đến thời nhà Tống, có sự dung hòa giữa văn hóa Nam Bắc, phụ nữ sẽ gọi một nửa của mình là “Quan nhân”. Còn ở trong cung đình thì sẽ gọi là “Quan gia”, sau này lại gọi thành “Tướng công.”

Điểm đặc biệt là địa vị của người chồng càng ngày càng được nâng cao. Đến thời cận đại, lại xuất hiện cách gọi là “Tiên sinh” và “Người yêu”. 

Đến thời hiện đại, cách gọi chồng phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay chính là “Lão công.” Nhưng thực ra, ở thời cổ đại, “Lão công” là dùng để chỉ Thái giám

Vì vậy, có rất nhiều cách gọi chồng, nếu các chị em không muốn gọi chồng là “Lão công” thì có thể cách gọi cho phù hợp. 

Mà lỡ chuyển cách xưng hô “Lão công” thành “Lão công công…” thì mau thay cách gọi đi nhé!

Cách xưng hô vợ chồng ở Việt Nam

Ở Việt Nam, các cặp vợ chồng trẻ ngày nay thường xưng hô đơn giản là “anh, em”, dân dã hơn thì gọi nhau là “ông xã, bà xã”. 

[Ảnh minh họa]

Lùi lại khoảng 30-40 năm trước, vợ chồng gọi nhau bằng “mình”. Mỗi lần xưng hô, gọi “mình ơi!…”, thể hiện tình cảm và sự gắn bó, tuy hai mà một. Ngày nay cách xưng hô “mình” vẫn tồn tại nhưng không phổ biến.

Thời Pháp thuộc, vợ chồng con nhà sang trọng, giàu có thường gọi nhau bằng “cậu mợ”, nhà thường dân thì gọi nhau là “anh chị”. Nếu có con rồi thì gọi nhau là “thầy em”, còn nhà thô tục thì gọi là “bố nó, mẹ nó”. Có vùng cả hai vợ chồng gọi nhau là “nhà ta, nhà tôi”.

Người xưa rất coi trọng tiếng gọi vợ chồng, tiếng gọi vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, cũng là nhắc nhở cả hai về nghĩa vợ chồng.

Trong hôn nhân thời xưa, vợ chồng cư xử với nhau quan trọng nhất là hai chữ “hòa thuận”. Dù chuyện gì xảy ra cũng cần “đóng cửa bảo nhau”, tìm cách dung hòa, giải quyết, chứ tuyệt đối không được vội vàng từ bỏ hoặc làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm.

Người chồng trọng nhất là giữ nghĩa với vợ, người vợ trọng nhất là giữ tiết với chồng.

Xét về phẩm chất của người vợ, người vợ thời xưa phải đảm bảo đủ “tam tòng, tứ đức”. ]Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử – Nghĩa là khi người đàn bà còn ở nhà thì theo cha mẹ khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng mất thì theo con. Tứ đức là: Công, dung, ngôn, hạnh.]

Công: là sự khéo của người phụ nữ, từ nữ công gia chánh như nấu ăn, may thêu, buôn bán, giỏi nữa thì biết tứ nghệ: cầm kỳ thi hoạ.

Dung: Chỉ “dung nhan”, đề cập đến vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ. Đó là vẻ kín đáo, thùy mị, nết na, đảm đang,… như ca dao ca ngợi:

“Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. 

Ngôn: Là những lời nói nhã nhặn, kín đáo, dễ nghe, nhỏ nhẹ, khoan thai, dịu dàng,… kèm theo đó là những cử chỉ phù hợp, cư xử đúng phép tắc, nói đúng chỗ, đúng lúc; thể hiện sự đoan trang, thanh lịch của người phụ nữ.

Hạnh: Đây là đức tính cuối cùng trong “tứ đức” của người phụ nữ và được xem là quan trọng nhất. Hạnh dùng để chỉ đạo đức, lòng chung thủy son sắt, lòng nhân hậu, giữ trọn nề nếp gia phong,… Đức hạnh đó của người phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ với cha mẹ, con cái, vợ – chồng…Biết trên kính, dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, không cay nghiệt với ai.

Nghĩa vụ của người chồng đối với vợ trong quan niệm thời xưa là phải ở cho đúng đắn, biết thương yêu vợ, biết quý trọng vợ, nhất là có tài trí, trở thành điểm tựa khiến cho vợ có được bảo vệ, nương nhờ.

Người xưa có câu “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng quý nhau như khách, ngoài ra cũng có câu “phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành”, nghĩa là vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo. Hai câu ấy đủ làm gương cho đạo vợ chồng.

Thiện Thành [Sưu tầm]

 Nội dung
Việt Nam hoàn toàn không dùng từ hán
♥ Xưng hô của người Việt rất phong phú
♥ Những từ xưng hô phổ biến của người Việt

Xem phim “Huyền sử Thiên đô”, nói về Lý Công Uẩn dựng triều Lý. Mình thấy ở trong phim, người ta xưng hô với nhau ông – tôi; anh trai gọi em gái bằng em; trai gái gọi nhau cũng bằng anh em… Thiết nghĩ, thời đó chúng ta hoàn toàn dùng chữ Hán, vì vậy cách xưng hô cũng phải theo từ Hán – Việt, anh em gọi nhau xưng huynh, gọi muội; hoặc xưng là ta [không gọi là tôi…]. Xin ví dụ nhỏ như vậy. Các bậc tiền nhân ngày xưa xưng hô và gọi nhau như thế nào? Cũng biết, chúng ta không thể “ghi âm” lời của các cụ, cho nên rất khó có thể xác định được chính xác.

A. Việt Nam thời xưa không hoàn toàn dùng chữ Hán trong xưng hô:

Bạn cho rằng, “thời đó [đầu đời Lý] chúng ta hoàn toàn dùng chữ Hán”. Thực ra thì không phải như thế vì, nói chung, trong suốt thời kỳ phong kiến tự chủ, ta chỉ sử dụng chữ Hán làm quốc gia văn tự, nói rõ ra là chỉ dùng nó trên văn kiện và trong sách vở mà thôi. Dân ta vẫn nói tiếng Việt với nhau; mà vua quan trong triều đình cũng thế. Nhưng do ảnh hưởng của nhiều thế kỷ bị người Tàu cai trị nên từ vựng của tiếng Việt đã chứa đựng nhiều yếu tố gốc Hán, trong đó có gần như hầu hết những từ chỉ quan hệ thân tộc, như chúng tôi đã chứng minh trong bài “Từ nguyên của những từ chỉ quan hệ thân tộc”, trên Năng lượng Mới số 70 [11/11/2011]. Những từ này đã có mặt từ lâu trong từ vựng của tiếng Việt, như có thể thấy trong “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” [khoảng thế kỷ XVII]. Trong tác phẩm này, “Nhân luân bộ đệ tam” là chương thứ ba, đã dùng nhiều từ quen thuộc đối dịch với các danh từ chỉ quan hệ thân tộc và xã hội bằng tiếng Hán.

Những từ, ngữ trong “Cách xưng hô ở Trung Quốc” thực chất là một bảng từ vựng chỉ quan hệ thân tộc bằng tiếng Hán chứ thực ra thì, nói chung, những “nghĩa huynh”, “biểu ca”, “nghĩa tỷ”, “biểu tỷ”, v.v… trong đấy cũng chỉ là những yếu tố dùng trong văn bản bằng Hán văn Việt Nam chứ chẳng phải là những từ, ngữ quen thuộc dùng trong tiếng Việt hằng ngày của dân chúng.

Dân chúng thì xưng hô với nhau giản dị và tự nhiên, chẳng hạn giữa vợ chồng, thì chồng có thể gọi vợ là “mình”, “bà nó”, “mẹ nó”, “bu nó”, “bủ nó”, “bầm nó”, “má nó”, “mạ nó”, “mợ nó”. Vợ có thể gọi chồng là “mình”, “ông nó”, “bố nó”, “ba nó”, “cha nó”, “cậu nó”. Còn giữa trai, gái thì “anh” và “em”:

Ví dụ những câu ca dao, tục ngữ dưới đây:

– “Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…”.

– “Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc;
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay…”.

– “Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó ngồi trông trên bờ”.

Đấy, “anh” và “em” thế thôi. Khách sáo và dè dặt hơn một tí thì “mình” với “ta”:

– “Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình”.

– “Mình về mình có nhớ ta.
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”.

Trang trọng và thơ mộng hơn thì “chàng” và “nàng”, “thiếp”:

– “Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

– “Một mai thiếp có xa chàng
Đôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin”.

Ngay cả văn nhân, thi sĩ cũng xưng hô đúng với tinh thần của tiếng Việt, chẳng hạn Dương Khuê trong bài hát nói “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”. Ở hai câu Hán văn trong phần “Nói” thì cụ già Dương dùng từ “quân” để chỉ người con gái và tự xưng là “ngã”:

– “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,
Quân kim hứa giá ngã thành ông”.

Nhưng ở phần “Mưỡu” “toàn Việt” thì Dương Khuê tự xưng là “ông” và gọi thẳng tên của cô đầu là “Tuyết”:

“Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già”.

Bằng hữu với nhau cũng xưng hô kiểu Việt Nam thuần túy trong văn thơ. Khi Dương Khuê qua đời, Nguyễn Khuyến khóc:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”.

Nhưng điển hình thì có lẽ phải là từ xưng hô và từ chỉ quan hệ thân tộc trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tại đây “cha” được dùng 12 lần, “mẹ” 6 lần, “chị” 13 lần, “em” 14 lần, “cậu” 1 lần, “ông” 15 lần, “bà” 8 lần, danh ngữ đẳng lập “ông bà” 4 lần, danh ngữ “mẹ cha” 2 lần, danh ngữ “chị em” 3 lần, v.v… Cách dùng từ “phi Hán ngữ tính” này đã không mảy may làm giảm giá trị của “Truyện Kiều”. Ngược lại, hiện tượng này cho thấy sức sống mãnh liệt của tiếng Việt bên cạnh một ngôn ngữ “đại gia” là tiếng Hán, mặc dù bản thân nó vẫn thu nhận nhiều từ, ngữ của thứ tiếng này.

Ngay cả khi chuyển cách xưng hô của người Tàu, giữa anh em với nhau, sang tiếng Việt, một số dịch giả cũng giữ đúng tinh thần của tiếng mẹ đẻ mà dùng “em”, “tôi”, v.v…, chứ không dùng “huynh”, “đệ”. Chắc là nhiều bạn đã biết đến “Tam quốc diễn nghĩa”, trong đó có ba anh em kết nghĩa là Lưu Huyền Đức, Quan Công và Trương Phi. Xin đọc mấy câu đối đáp sau đây giữa họ với nhau, khi Trương Phi nổi nóng muốn giết Đổng Trác:

“Huyền Đức, Quan Công vội ngăn mà rằng:
– Không nên, hắn là quan của triều đình, em chớ nên tự tiện giết hắn!
Phi nói:
– Nếu không giết nó, mà lại ở đây làm đầy tớ cho nó sai khiến thì tôi không thể chịu được”.

Huyền Đức và Quan Công gọi Trương Phi là “em” còn Trương Phi thì tự xưng là “tôi”. Mấy câu trên đây nằm trong bản dịch của Phan Kế Bính do Bùi Kỷ hiệu đính, rồi lại do Lê Huy Tiêu và Lê Đức Niệm sửa chữa [tập 1, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988, tr.47].

B. Cách xưng hô của người Việt cổ rất phong phú:

Đời xưa, đặc biệt từ thế kỷ 17-18 trở về trước, người Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, hiện giờ còn là một vấn đề chưa được nghiên cứu, chưa được biết rõ. Có lẽ chính vì vậy mà trong các tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, phim lịch sử của chúng ta ngày nay… các nhân vật khi đối thoại với nhau, họ xưng hô rất tùy tiện theo ý chủ quan của nhà văn, nhà biên kịch với những ngôn ngữ không mang dấu ấn lịch sử, dấu ấn dân tộc.

Đã có không ít bạn bè bảo Tạ Ngọc Liễn thử tìm hiểu xem ông bà ta ba, bốn trăm năm trước, khi nói chuyện, trao đổi qua thư từ…, các cụ xưng hô với nhau như thế nào. Và bà đã thử làm công việc này bằng cách đọc một số tác phẩm Nôm cổ thế kỷ 15, 16 và 17, 18, rồi nhặt ra những từ xưng hô ở các đoạn văn đối thoại trong những tác phẩm Nôm cổ đó. Kết quả hết sức thú vị, vì số lượng từ xưng hô của người xưa rất phong phú. Có những từ xưng hô thời xưa, nay đã mất hẳn trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, nhưng cũng có những từ bây giờ vẫn dùng, song với ý nghĩa đã thay đổi. Phương pháp tác giả làm để khôi phục những từ xưng hô thời cổ ở nước ta, rất đơn giản, và bảo đảm chính xác, bởi vì chữ Nôm là chữ để ghi tiếng: nói như thế nào, ghi lại đúng như thế. Những tác phẩm Nôm cổ bà sử dụng ở đây, chủ yếu là các cuốn: “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh [Nôm thế kỷ 15] do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ giới thiệu, khảo cứu, phiên âm [1]; ↓. Cuốn Tân biên truyền kỳ mạn lục, Tác phẩm Nôm thế kỷ 16, của Nguyễn Thế Nghi, do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hồng Cẩm phiên âm, chú thích [2]; ↓. Và một số văn bản Nôm thế kỷ 18 trong sách Đại Việt quốc thư, trong cuốn Gia phả họ Đỗ ở Đông Ngạc [Kẻ Vẽ], Từ Liêm, Hà Nội.

C. Những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam:

Dưới đây là những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam [vùng đồng bằng Bắc Bộ] ở các thế kỷ 15, 16, 17, 18:

– Cha gọi: là áng
– Bác [là chú, bác như ngôn ngữ hiện đại].
– Mẹ [như ngôn ngữ hiện nay], nhưng mẹ còn gọi là nạ.
– Tôi, ta gọi là min, là mỗ, giáp.
– Nó, hắn gọi là nghĩ.
– Chúng bay gọi là phô bay.
– Chúng tôi, chúng ta gọi là phô min giáp.
– Tôi, tao, mày. Ta. Vợ. Bà phu nhân. Ngươi. Mi, chúng mi. Thiếp, chàng. Tiên sinh.
– Vua gọi là Đức hoàng thượng.
– Chúa gọi là Đức bề trên…

Qua những từ vừa thống kê trên chúng ta thấy đó là những từ xưng hô phổ biến của người Việt Nam thời cổ trong các tầng lớp xã hội từ vua, chúa, quý tộc đến dân thường, bao gồm các loại đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất [số ít, số nhiều], ngôi thứ hai [số ít, số nhiều], ngôi thứ ba [số ít, số nhiều].

Như ở phần trên tác giả có nói, nhiều từ xưng hô phổ biến ở thế kỷ 15-16, nhưng ngày nay chúng đã biến khỏi đời sống ngôn ngữ mà chỉ tồn tại trong các văn bản Nôm cổ, người đọc muốn hiểu nghĩa thì phải nhờ lời chú giải của các nhà khoa học chuyên về văn tự cổ. Thí dụ, người Việt Nam ở thế kỷ 15-16 nói: “Chẳng biết ơn áng nạ” [Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh]. Nhờ chú giải của các nhà khoa học, độc giả ngày nay biết áng nạ là cha mẹ. Và câu trên được diễn giải là “Chẳng biết ơn cha mẹ“. Hoặc đại từ nhân xưng tôi, ta, người thế kỷ 15-16 gọi là min, mỗ, giáp. Ngày nay từ min, từ giáp đã chết. Từ mỗ vẫn còn gặp trong ngôn ngữ đời sống. [Chẳng hạn, đôi khi trong chúng ta vẫn có người nói “Mỗ không thích uống rượu…”]

Nếu thống kê những từ cổ xưng hô của người Việt Nam thế kỷ 15-18 rồi đối chiếu với những từ xưng hô trong giao tiếp ngày nay, chúng ta không thấy số từ người Việt Nam từng xưng hô với nhau ba, bốn thế kỷ trước vẫn đang có mặt trong đời sống ngôn ngữ hiện tại chiếm một tỷ lệ khá nhiều và các nhà văn, các tác giả phim truyện, kịch bản viết về lịch sử có thể khai thác, sử dụng một cách khá thoải mái. Thí dụ các từ xưng hô tao, mày, ta, ngươi, mi, chúng mi, thiếp, chàng, đứa kia, tiên sinh…

Tôi xin giới thiệu vài tư liệu cổ nói về cách xưng hô của một quan đại thần với vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ 18 và cách xưng hô giữa Ngô Văn Sở với Ngô Thì Nhậm, hai nhân vật trụ cột của vua Quang Trung:

1. Trong cuốn Gia phả họ Đỗ ở Đông Ngạc có ghi lại một số bài khải viết bằng chữ Nôm của Đỗ Thế Giai [một đại thần] dâng lên vua Lê chúa Trịnh và Đặng Thị Huệ. Trong đó Đỗ Thế Giai xưng là tôi và gọi vua Lê chúa Trịnh là Đức bề trên gọi Đặng Thị Huệ là Đức chính phi.

– Mỗi lần vua Lê, hoặc chúa Trịnh hỏi Đỗ Thế Giai về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy, về đạo trị dân… trong các tờ khải điều trần của mình, bao giờ Đỗ Thế Giai cũng mở đầu bằng câu: “Tôi cẩn khải vâng lậy Đức bề trên…”

– Khi Trịnh Sâm muốn cho Đặng Thị Huệ [được phong tuyên phi] tham dự chính sự thì Đỗ Thế Giai đã gửi tờ khải cho Đặng Thị Huệ để can ngăn. Mở đầu tờ khải, Đỗ Thế Giai viết: “Tôi cẩn khải vâng lậy Đức chính phi muôn muôn năm…”

2. Trong một bức thư Ngô Văn Sở gửi Ngô Thì Nhậm, viết bằng chữ Nôm, đoạn mở đầu:

“Quan Đại đô đức tước Chấn quận công [3]; ↓, kính gửi đến quan lại bộ Tả thị lang là tước hầu Tình phái [4]; ↓ rõ: từ khi thiểm chức về triều vong hầu nhà vua, như việc sứ ở nội địa [5]; ↓, nhiều giấy tờ đưa đi, đưa lại, hiền hầu đã tâu bẩm ngày trước, thời thiểm chức đã tâu về Đức hoàng thượng [6]; ↓ ngự lãm rồi…”.

Rõ ràng qua những tư liệu như thế này, chúng ta biết chính xác cách xưng hô giữa vua, chúa, quan lại với nhau hồi thế kỷ 18. Đó là nguồn tài liệu quý giá để chúng ta khai thác, sử dụng, khôi phục hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của người xưa – ít nhất là trong các tác phẩm về đề tài lịch sử trên sân khấu, điện ảnh…

Theo học giả An Chi
Theo Tạ Ngọc Liễn [Văn nghệ trẻ]

[1]; ↑ Nxb Khoa học xã hội, 1999.
[2]; ↑Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000
[3];↑Tức Ngô Văn Sở
[4]; ↑Tức Ngô Thì Nhậm
[5]; ↑ Nội địa: chỉ Trung Quốc
[6]; ↑Chỉ Quang Trung.

Vậy xưng hô như thế nào cho hay là tùy vào bản thân và dụng ý của mỗi người ^^

VUI LÒNG KHI MANG BÀI VIẾT NÀY RA NGOÀI NHỚ GHI NGUỒN @TIEMMI13! CẢM ƠN CÁC BẠN!

Chủ Đề