Nếu bạn làm việc với mục đích so sánh hơn thua đọc hiểu

Sống ở một xã hội mà sự ganh đua và cạnh tranh ngày càng gay gắt, chúng ta luôn tự làm khó mình trong việc tạo ra cách cảm xúc tốt cho bản thân bằng những phản xạ có điều kiện. Nói cách khác, chúng ta đang là nô lệ tinh thần cho các thói quen, các phản xạ có điều kiện của mình, trong chính cái xã hội mà ta đang sống.

Chúng ta sống theo ý muốn của những người giàu có, chúng ta cố bắt chước họ trong mọi thứ bởi cuộc sống đầy đủ vật chất của họ chính là thứ mà mọi người ao ước. Người giàu có luôn bỏ tiền ra để mua những thứ "hàng hiếm", "đồ xịn" với giá trên trời và làm cho mọi người phải ngưỡng mộ. Cuộc sống vật chất làm đa số trong chúng ta bị choáng và không ý thức được những giá trị đích thực của sự vật.

Rất nhiều người sống tại các nước đã phát triển, với mức thu nhập vài ngàn đô la mỗi tháng mà vẫn than thở về các khó khăn, các vấn đề bức xúc trong cuộc sống tinh thần của họ. Họ cũng khổ sở, chật vật về tinh thần chẳng kém gì với hoàn cảnh đời sống tinh thần của chúng ta - là những người ở các nước đang phát triển với mức thu nhập ít hơn vài chục lần.

Ðiều làm cho hầu hết mọi người hạnh phúc chính là cảm giác "được hơn" người ở bên cạnh: Nhà mình đẹp hơn nhà hàng xóm, con tôi học giỏi hơn con người khác, tôi có giàu hơn người khác, tôi "bảnh" hơn người khác,.

Vấn đề cốt lõi là tôi có được cái mà người khác không có và tôi muốn mọi người trầm trồ về điều này.

Các cảm xúc của cá nhân được tạo ra dựa trên sự so sánh theo một hệ qui chiếu mà cá nhân tự định ra. Nếu mức sống 5 triệu đồng mỗi tháng chả có ấn tượng gì đối với một anh chủ doanh nghiệp thì đó lại là cả một gia tài của người công nhân bình thường.

QUI LUẬT VỀ HỆ QUI CHIẾU CẢM XÚC

Cảm xúc sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi hệ qui chiếu cảm xúc mình. Tùy theo hệ qui chiếu cảm xúc của cá nhân mà cảm xúc được tạo ra sẽ tốt hơn nếu hệ qui chiếu thấp hơn, hay xấu hơn khi hệ qui chiếu cao hơn so với tác nhân tạo cảm xúc.

Xem một câu chuyện nhỏ sau đây:

"Trong quán nhỏ có một thanh niên ngồi uống nước và đau khổ ngặm nhấm cuộc đời. Anh chàng Quy này cảm thấy cuộc đời thật bất công. Cũng tốt nghiệp đại học loại tầm tầm, chạy khắp nơi mới xin được một chỗ làm với mức lương khiêm tốn một triệu rưỡi mỗi tháng. Phải chi tiêu bao nhiêu món nên lúc nào cũng thiếu. Nhu cầu thì mênh mang mà thu nhập lại quá eo hẹp. Nhìn sang quán nhậu bên cạnh thấy một đám doanh gia cụng ly, dô dô mà thấy sao đời khổ quá.

Một tiếng "ầm" bất chợt nổi lên phá vỡ bầu không gian náo nhiệt.

Mái hiên che mưa bằng bê-tông của quán bên cạnh sập xuống. Trước sự sững sờ của mọi người, toàn bộ bàn nhậu của đám dân kinh doanh bị đè bẹp. Không một tiếng động hay dấu hiệu nào của những người bị mái hiên đè lên. Quy rùng mình. May mà không phải là mình ngồi ở đó. Ngẫm đi ngẫm lại, Quy thấy mình còn quá may mắn. Dù gì thì mọi thứ cũng ổn định. Số phận con người biết thế nào là đủ. So với mấy người bị tai nạn thì Quy còn may mắn hơn rất nhiều."

Câu chuyện ở đây cho thấy rằng: sướng hay khổ đều là do cách chọn hệ qui chiếu cảm xúc để bạn so sánh bản thân với các cá nhân khác. Lúc đầu hệ qui chiếu của Quy là cuộc sống dư thừa tiền bạc của người khác và Quy cảm thấy đau khổ vì không được như họ. Ngay sau đó, hệ qui chiếu được thay đổi thành chuyện sống hay chết và Quy cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều bởi thấy rằng mình vẫn còn sống khỏe mạnh, không bị chết thảm như mấy người ngồi bên cạnh.

Theo quan niệm của Phật giáo : "Tham - Sân - Si là bể khổ của cuộc đời". Ða số chúng ta đều đem những điều kiện của một số người hơn chúng ta, hoặc những người nổi tiếng, giàu có ra làm hệ qui chiếu để so sánh. Việc so sánh này tạo cho chúng ta lòng "tham" tức sự ham muốn có những thứ mà mình không thể có được vào lúc này.

Từ lòng tham sẽ đưa đến sự ganh tị (tức sân), sự ganh tị khi lên đến cao độ sẽ trở thành sự mê muội, mù quáng (tức si). Trong tình trạng này, con người sẽ không thấy được điều gì khác ngoài ý muốn duy nhất là phải có được cái mình muốn bằng mọi giá. Khi đã có được thứ mình cần, sự so sánh lại làm phát sinh ra lòng tham mới và đẩy con người vào một vòng luẩn quẩn không bao giờ thoát ra được. Vì vậy cuộc đời của những người rơi vào vòng "tham-sân-si" chắc chắn sẽ là một bể khổ không có đáy.

Cách tốt nhất để tránh rơi vào bể khổ đau là hãy ý thức về giá trị nội tại của bạn. Tùy theo sự tự so sánh của bạn với những tiêu chí - những hệ qui chiếu mà bạn chọn sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc hay đau khổ, sẽ hài lòng hay bực bội.

Luôn có nhiều điều mà bạn có thể tự hào về bản thân mình. Có rất nhiều điều bạn có thể làm được nhưng lại không dám bởi không có đủ sự tỉnh táo để nhận định lại hoàn cảnh.

Ða số chúng ta đều đưa ra những mục tiêu cho sự phấn đấu và sự khát khao của mình. Việc khao khát đạt được những ước muốn sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn, những cảm nhận về sự thua kém sẽ tạo cho chúng ta các cảm xúc xấu. Sự ghen tỵ ở mức độ cao sẽ tạo cảm xúc rất xấu như tức tối, không hài lòng, bực dọc,. mà kết quả sẽ gây cho chúng ta hàng loạt những tổn hại về thể chất cũng như về tinh thần.

Cách tốt nhất để giải tỏa các cảm xúc xấu này thật đơn giản: Hãy sống thanh thản với thực tế và tự tin, nỗ lực hướng tới tương lai, đừng ganh tị và hãy chọn những đối tượng phù hợp với mình để so sánh. Hoặc bạn có thể so sánh ở diện rộng hơn, với tất cả mọi người tại nơi mình sống, với tất cả các quốc gia khác, với hàng trăm triệu người đang sống rất cực khổ và chật vật trên thế giới này. Ðây chính là cách mà các thánh nhân luôn ý thức thực hiện.

Nên tự ý thức về các giá trị tinh thần của bạn. Hãy tin tưởng vào năng lực của bản thân rằng chúng ta không phải là một người bỏ đi, để mình có thể ngẩng mặt lên tự hào với những gì đã đạt được trong cuộc sống.

Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

       Bạn nào tuổi teen cũng thấy mình khổ hơn người khác. Các bạn luôn phóng to những điểm thiệt thòi của mình lên và thu nhỏ phần vất vả của người khác lại. Đồng thời, các bạn luôn cảm thấy oan ức, bất công và nghĩ rằng cuộc đời này đối xử với mình tệ hơn rất nhiều những gì hy vọng (…). Rất tiếc, thưa các bạn teen, các bạn đang hiểu nhầm nghiêm trọng. Ai cũng phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ và ai cũng phải chịu hoặc từng chịu bất công. Vì thế, đừng bi kịch hóa cuộc đời của mình, điều đó không giúp gì cho các bạn cả. Ngoài ra, những lỗi lầm gây ra thường do chính bản thân mình, nên đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác.

(…) Tuổi teen có tính ghen tỵ rất lớn. Các bạn luôn ngắm nghía và so bì với người khác để thấy cha mẹ thật tệ, không hiểu mình, cha mẹ chiều em/chị/anh mình hơn… Nhiều bạn thấy như bị bỏ rơi, hay cha mẹ lạc hậu, kém cỏi, giỏi mắng mỏ nhưng hiểu biết ít. Thực ra, điều đó không chính xác. Cha mẹ các bạn đều đã trải qua giai đoạn này nên nhìn xa hơn. Họ biết với tính cách như thế, cách học tập, lao động như thế…, thì hệ quả/hậu quả là gì. Vì thế, bố mẹ có nói nhiều một chút, trách móc một chút, ghê gớm một chút, cũng là vì thương, lo lắng cho các bạn.

(…) Nhiều bạn thấy cảnh rú ga lao vút trên đường rất bản lĩnh. Nếu tầm nhìn hữu hạn thì mọi thứ đơn giản là vậy. Tuy nhiên, chỉ cần nghĩ xa hơn chút nữa, các bạn sẽ nhìn ra phía sau cảnh rú ga, lao ầm ầm đó là bệnh viện với máu me, xương cốt hoặc cảnh đám tang u buồn. Chơi ngông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bản lĩnh.

 (Trích Tuổi dậy thì tưởng chơi ngông là bản lĩnh, TS. Vũ Thu Hương, báo điện tử News.Zing.Giaoduc, 7/10/2015)

Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 2: Tuổi teen thường bi kịch hóa cuộc đời của mình thế nào?

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: Chơi ngông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bản lĩnh.

Câu 4: Anh/chị rút ra được những thông điệp gì qua đoạn trích trên?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Thao tác lập luận chính: Thao tác lập luận bác bỏ.

Câu 2:

- Tuổi teen thường suy ngẫm về cuộc sống của mình theo hướng bi kịch: những thiệt thòi của bản thân thường được phóng đại quá mức, từ đó cho rằng cuộc đời bất công, đối xử tệ bạc với mình và cảm thấy oan ức.

- Đồng thời, cùng với việc phóng đại thiệt thòi nhỏ bé của bản thân, tuổi teen cũng luôn thu nhỏ phần vất vả của người khác.

- Từ tâm lí trên dẫn đến sự so sánh cuộc sống của mình với mọi người xung quanh: luôn thấy mình khổ hơn người khác, thiếu thốn hơn, thiệt thòi hơn, thấy cuộc đời thật bất công. Từ đó, họ tư dằn vặt mình, bi ai về hiện thực và tưởng tượng một tấn bi kịch đầy nước mắt cho mình.

Câu 3:

- Có thể hiểu ngắn gọn:

+ Chơi ngông là có những lời nói, việc làm ngang tàng, khác lẽ thường, tự cho đó là đúng đắn, bất chấp sự khen chê của mọi người.

+ Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

- Chơi ngông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bản lĩnh, vì:

+ Chơi ngông là hành động bột phát ở lứa tuổi mới lớn, đó là hành động không đem lại kết quả gì tốt đẹp mà chỉ mang đến nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.

- Những hành động mà tuổi trẻ tự coi đó là chơi ngông như rú ga lao vút trên đường cực kì nguy hiểm, phía sau hành động đó chính là “bệnh viên với máu me, xương cốt hoặc cảnh đám tang u buồn”. Hành động đó không chỉ hại đến bản thân mình là còn làm hại cả đến cộng đồng.

- Hành động được coi là chơi ngông ấy thể hiện tầm nhìn hữu hạn, không suy nghĩ thiệt hơn. Đó không phải là dám nghĩ, dám làm mà là những biểu hiện ngang tàng, khác lẽ thường rất cần tránh ở lứa tuổi mới lớn.

Câu 4:

Những thông điệp rút ra qua đoạn trích:

- Tuổi teen thường có những biểu hiện tâm lý sai lầm như:

+ Bi kịch hóa cuộc đời của mình

+ Hiểu nhầm cha mẹ

+ Tưởng chơi ngông là bản lĩnh

- Đó là những biểu hiện tâm lý sai lầm ở lứa tuổi mới lớn. Vì vậy, gia đình và xã hội phải có trách nhiệm hiểu, nắm bắt những đặc điểm tâm lý đó và có cách định hướng, giáo dục trẻ phù hợp.

=> Vì thế, tuổi trẻ đừng chơi ngông, đừng lãng phí thời gian vô bổ mà hãy dùng thời gian đó để tự trau dồi mình và trở thành người có bản lĩnh trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng: Người đáng xem trọng nhất là người cần thiết cho mọi người, cho xã hội.

Loigiaihay.com