Hướng dẫn thực hiện nghị định 27/2022

Nhiều quy định phải đợi Trung ương có văn bản hướng dẫn

Sau khi Nghị định số 27/2022/NĐ – CP ngày 19/04/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 7776/UBND – THKH ngày 02/06/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ – CP. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể và thời gian hoàn thành nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Hướng dẫn thực hiện nghị định 27/2022
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình

Đến hết ngày 30.11.2022, trong tổng số 15 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương phải ban hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, có 7 nhiệm vụ đã hoàn thành và được tỉnh Thanh Hóa ban hành đảm bảo theo quy định, 6 nhiệm vụ đang được các cấp, các ngành xây dựng và hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền, 2 nhiệm vụ không ban hành (cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tại địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; quy định về hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án đối với các dự án được đầu tư xây dựng theo cơ thù thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh).

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình cho biết, khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 27 của Chính phủ là yêu cầu địa phương ban hành rất nhiều quy định để điều chỉnh trong phạm vi của tỉnh. Trong khi thực tế, có nhiều quy định phải đợi Trung ương có văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, những quy định phải đợi Trung ương hướng dẫn là: Quyết định chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình; quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ (bằng hiện vật hoặc bằng tiền). Hoặc có những quy định phải xin ý kiến của Trung ương trước mới ban hành như danh mục các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.

Một số quy định yêu cầu địa phương ban hành trong khi không có văn bản hướng dẫn và thực tế địa phương chưa bao giờ thực hiện như: Cơ chế quay vòng vốn một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Việc quy định giao cho địa phương ban hành các nội dung trên sẽ dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước.

Chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công

Một khó khăn vướng mắc nữa của Nghị định số 27 của Chính phủ là chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong việc phẩn bổ kế hoạch vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Điều 6, Nghị định số 27/2022/NĐ – CP quy định: nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 5 năm của địa phương phải có tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù; danh mục dự án đầu tư ưu tiên (nếu có). Điều 7, Nghị định số 27/2022/NĐ – CP quy định kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm phải có tỷ lệ dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù. Điều 13 Nghị định 27/NĐ-CP quy định tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù do HĐND cấp tỉnh quyết định theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể việc HĐND tỉnh quyết định tỷ lệ số lượng dự án đặc thù này được thực hiện như thế nào, có được lồng ghép vào kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 hay không. 

“Thực tiễn các địa phương ban hành danh mục các dự án đặc thù sau khi HĐND tỉnh quyết định kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 (do yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phải giao kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trước ngày 15.8.2022) thì quy định trên sẽ thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề đang đặt ra”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Đối với danh mục các công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN đa số là những công trình nhóm C, quy mô nhỏ và rất nhỏ (chủ yếu các công trình của Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, đối với cấp thôn, bản trung bình khoảng 232 triệu/thôn, bản đặc biệt khó khăn; đối với xã trung bình khoảng 1,5 tỷ/xã đặc biệt khó khăn). Tuy nhiên theo quy định vẫn phải lựa chọn danh mục, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, gửi các sở, ngành thẩm định, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định. Do đó, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn.

Đáng lưu ý, Khoản 5 Điều 40, Nghị định số 27/NĐ-CP quy định về cơ chế quay vòng vốn một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo quy định tại Khoản 6, Điều 22 Nghị định này. Tuy nhiên, trong chính Nghị định số 27 lại mâu thuẫn, khi Khoản 6 Điều 22 quy định: Cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất ký hợp đồng với đại diện tổ nhóm cộng đồng; hướng dẫn, giám sát, thanh toán, giải ngân vốn dựa trên kết quả nghiệm thu từng giai đoạn hoàn thành nội dung, hoạt động của dự án, phương án sản xuất theo tiến độ thực hiện được cấp có thẩm quyền quyết định. Khoản 7 Điều 22 quy định: Thực hiện cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ những khó khăn, vướng mắc thực tế nêu trên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 27 theo hướng các địa phương chỉ ban hành một số nội dung chính của các chương trình như: Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước của các Chương trình; danh mục các dự án áp dụng cơ chế đặc thù. Các nội dung khác đề nghị Bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn chung cho các địa phương tổ chức thực hiện; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia; quy định tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù do HĐND tỉnh quyết định theo từng giai đoạn.