Đọc truyện Phương Trình Hạ Chí

Thể Loại Truyện trinh thám
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 495
Ngày Xuất Bản 01 – 2019
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Phương Trình Hạ Chí

Phương Trình Hạ Chí là tác phẩm thứ ba thuộc chuỗi sáng tác về thám tử Galileo của tác giả Higashino Keigo. Cuốn tiểu thuyết được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011 và ngay lập tức đón nhận rất nhiều sự mong đợi cũng như đánh giá của độc giả.

Cuốn sách bắt đầu một cách nhẹ nhàng với chuyến nghỉ hè của Esaki Kyohei tại vùng biển Harigaura. Một cuộc gặp tình cờ với cậu bé Esaki Kyohei trên xe lửa đã đưa đẩy Yukawa Manabu, một phó giáo sư vật lý đang đi dự hội nghị, tới nghỉ tại quán trọ buồn hiu mang tên Lục Nham Trang, để rồi bị cuốn vào số phận những con người nơi đó. Cái chết của người khách trọ Tsukahara Masatsugu, cựu cảnh sát hình sự thuộc Sở Cảnh sát Tokyo dưới vách đá gần biển Harigaura buộc cảnh sát phải lục lại hồ sơ một vụ án xảy ra cách đó mười sáu năm, nhưng Yukawa Manabu, vị “thám tử Galileo” đã nhận ra những điều bất thường quanh đó. Một bí mật tưởng chừng đã bị chôn sâu dưới đáy biển Harigaura đang chờ khám phá, mà cội nguồn của nó có thể kéo về tận Tokyo nhiều năm về trước.

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo [東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô] [4/2/1958] là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. [hiện là DENSO] từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X [Yōgisha X no Kenshin], giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

Các tác phẩm khác của Higashino Keigo đã được Nhã Nam phát hành:

  • Phía sau nghi can X
  • Bí mật của Naoko
  • Bạch dạ hành
  • Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya
  • Hoa mộng ảo
  • Ảo dạ
  • Ma nữ của Laplace
  • Phương trình hạ chí
  • Sự cứu rỗi của Thánh nữ
  • Ma thuật bị cấm
  • Án mạng mười một chữ
  • Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei

II. Review sách Phương Trình Hạ Chí

Dưới đây là tổng hợp Review sách Phương Trình Hạ Chí của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. SEN LÃO review sách Phương Trình Hạ Chí

Một mùa hè nọ, Yukawa Manabu được mời làm cố vấn cho hội nghị của Desmec – một cơ quan chịu trách nhiệm cho các hoạt động thăm dò tài nguyên, khoáng sản vùng biển được tổ chức tại thị trấn Harigaura. Tại đây anh vô tình bị kéo vào một vụ án. Người bị giết hại là ông Tsukahara, cũng là khách trọ tại nhà trọ Lục Nham Trang như Yukawa.

Ông Tsukahara được phát hiện là đã rơi xuống bãi đá ở ngoài biển, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Tuy nhiên kết quả khám nghiệm tử thi lại chỉ ra nguyên nhân thực sự của cái chết không phải là chấn thương sọ não, vách đá gồ ghề chỉ là hiện trường thứ hai mà hung thủ dựng lên.

Tất cả mọi sinh hoạt tại nhà trọ Lục Nham Trang đột nhiên bị đảo lộn vì vụ án, kéo theo những lùm xùm xung quanh việc khai thác khoáng sản của tổ chức Desmec đã khuấy động cả một vùng biển vốn yên bình và tĩnh lặng, khuấy lên cả những gợn sóng nhỏ lăn tăn của một vụ án đã khép lại mười sáu năm về trước. Cùng với sự trợ giúp của chú nhóc Kyohei, Yukawa dần khám phá ra bí mật của nhà trọ Lục Nham Trang và quá khứ của những ai có liên đới tới nhà trọ này.

Khi sự thật rốt cuộc đã bị phơi bày hết thảy, tớ thấy người phải chịu đựng sau cùng thật sự có chút đáng thương. Phương trình của kiếp người không chỉ có một nghiệm, một hành động sai lầm trong thoáng chốc cũng có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, không thể vãn hồi. Khi ta nhận ra sự tồn tại của mình có liên quan tới sinh mạng kẻ khác, khi phải khắc khoải nỗi niềm day dứt suốt kiếp người đằng đẵng, đó là những ký ức không hề dễ chịu với bất kỳ ai.

Phương trình hạ chí được kết cấu khá giống các truyện khác của bác Keigo là các nhân vật tưởng chừng như không liên quan và rời rạc cuối cùng lại có quan hệ mật thiết, móc nối với nhau. Mạch truyện liên kết và ổn định, yếu tố trinh thám khá nét, mở đầu và kết thúc nhịp nhàng chứ không đến nỗi đầu voi đuôi chuột. Thật ra hung thủ là ai cũng khá dễ để suy luận và loại trừ, nhưng thủ pháp gây án và động cơ thúc đẩy thế nào thì mọi người hãy cứ kiên nhẫn đọc, bác Keigo vẫn sắp xếp đâu vào đó cả thôi.

Đánh giá chủ quan của tớ thì truyện đỡ hơn rất nhiều so với Trứng chim cúc cu, Trước khi nhắm mắt và Ma nữ Laplace xuất bản dạo gần đây rồi. Nhưng tất nhiên là vẫn không thể so sánh với Phía sau nghi can X được :”].

2. PHUC HIEU review sách Phương Trình Hạ Chí

“Tò mò có nghĩa là bị kích thích bởi sự hiếu kỳ mang tính trí tuệ. Bỏ mặc sự tò mò là một tội ác. Bởi nguồn năng lượng lớn nhất giúp con người trưởng thành chính là sự hiếu kỳ – Yukawa”_

Sự tình cờ đưa đẩy khiến cho cậu bé Kyohei – đang trên đường về quê trong một kỳ nghỉ chán ngán – gặp gỡ với nhà vật lý Yukawa, và cũng có thể nói rằng cuộc gặp gỡ này sẽ thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi. Họ cùng tá túc tại quán trọ ế ẩm Lục Nham Trang tại Harigaura, nơi có chủ nhân là cặp vợ chồng bác của Kyohei cùng cô con gái Narumi. Một vụ án mạng diễn ra khuấy đảo bầu không khí tưởng chừng yên tĩnh nơi đây, và dĩ nhiên Yukawa không thể “bỏ mặc sự tò mò” của mình. Nạn nhân là một cựu cảnh sát Tokyo, và quá trình điều tra của phía cảnh sát với sự hỗ trợ của Yukawa hé lộ những bí mật đau lòng tưởng chừng đã bị lãng quên từ nhiều năm về trước…

Gặp lại người quen cũ Yukawa khó lòng tránh khỏi việc khiến cho độc giả so sánh giữa tác phẩm này và một tác phẩm đã quá huyền thoại của tác giả – Phía sau nghi can X. Nếu đọc sách trên tâm thế như vậy, bạn sẽ thấy thất vọng vì quyển này thật sự kém hơn. Thủ đoạn giết người khá đơn giản và không gây được sững sờ như trong X. Tác giả lồng ghép khá nhiều kiến thức vật lý thú vị vào trong truyện, nhưng có những chi tiết liên quan, những chi tiết khác hoàn toàn không liên quan đến nội dung chính, ít nhiều làm mạch truyện bị loãng, trở nên dài dòng và đôi lúc giống như một cuốn “khoa học vui” dành cho trẻ em. Kết truyện cũng không chủ ý gây bất ngờ, mà có lẽ tác giả mong người đọc suy nghĩ nhiều hơn về kết thúc đó. Ở cuối truyện, Yukawa đã có cách hành xử mà tôi gọi là “kiểu Sherlock Holmes”. Không phải cảnh sát, không chịu sự ràng buộc của luật pháp, anh đã làm việc mà mình cho là đúng, đó là bảo vệ một con người mà anh cho rằng đáng được bảo vệ. Bạn có thể đồng tình với anh, cũng có thể không, đó chính là điều mà Higashino Keigo khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Phương Trình Hạ Chí là tác phẩm mới được xuất bản của nhà văn Higashino Keigo, người đã nổi tiếng với những tác phẩm như Phía sau nghi can X, Bạch Dạ Hành, Bí mật của Naoko

Nhiều năm trước, có một cô gái xinh đẹp ở Tokyo trước đây từng là tiếp viên, sau đổi sang nhân viên quán ẩm thực địa phương, mặc dù biết anh chàng “nọ” đã có vợ nhưng vẫn yêu thầm. Thậm chí đến khi sắp sửa cưới chồng, trước khi kết hôn còn có tình một đêm chóng vánh với anh chàng ấy.

Và nhiều năm sau, chính cái hậu quả của mối tình một đêm năm xưa, đã gây ra bao nhiêu câu chuyện đau lòng. 2 cái chết, một cái chết lãng xẹt và một cái chết đáng thương đã xảy ra, những người đáng bị pháp luật trừng trị, thì đều đã hưởng một cái kết khoan hồng hơn rất nhiều. Còn những người thân – những đàn ông vĩ đại bên cạnh họ, lại chịu một thảm cảnh khốc liệt. Thật đúng với câu “một phút sa chân, người thân lãnh đủ”.

Khi trinh thám cổ điển thuần suy luận lên ngôi

Phương trình hạ chí là một tác phẩm trinh thám mà yếu tố suy luận logic được đặt lên hàng đầu – có vẻ như ông tác giả là một fan trung thành của trinh thám cổ điển. Higashino không miêu tả quá nhiều tới pháp y, tới các vật chứng – điều mà trinh thám hiện đại làm rất tốt & nhanh gọn. Thực tế thì nếu có sự hỗ trợ tài tình của pháp y, kiểu như nhà hình sự học Lincoln Rhyme của Jeffery Deaver, hay team pháp chứng của Tần Minh, thì vụ án mạng này sẽ được phá giải không đến một tuần.

Nhưng vì để thể hiện tài năng suy luận logic của thám tử, sự vô dụng của cảnh sát địa phương cũng như thể hiện một tác phẩm có chiều sâu hơn [suy ngẫm về hậu quả của những hành vi sai trái], Keigo đã dụng ý để cho hung thủ từ từ lộ diện bằng những phán đoán đầy logic.

Đỉnh cao về trinh thám cổ điển được Keigo miêu tả trong Phía sau nghi can X có thể nói là mẫu mực nhất của ông, điển hình tiêu biểu tới mức những tác phẩm khác, đều rất khó để sánh kịp. Phương trình hạ chí cũng là trường hợp tương tự, dù rằng nó vẫn thể hiện một cách hết sức xuất sắc.

Yếu tố bất ngờ không được chú trọng trong tác phẩm này. Vì giáo sư vật lý nổi tiếng Yukawa đóng vai thám tử nên không có gì ngạc nhiên, những suy luận của thiên tài này đều hết sức đắt giá. Thậm chí có thể nói từ đầu tới cuối, duy nhất anh ta là người nhìn thấu rõ hoàn toàn sự việc, dựa trên những chi tiết tưởng chừng không liên quan. Tuy nhiên độc giả hoàn toàn có thể dễ dàng đoán ra được hung thủ đã sát hại vị cảnh sát già Tsukahara, bởi cái nhà trọ Lục Nam Trang không có quá nhiều thành viên!

Như Sherlock Holmes từng nói “bắt một gã sát thủ trong một đám tù nhân là điều hết sức dễ dàng, với tôi thì chỉ cần 24h là đủ “.

Ấy vậy mà mỉa mai thay, đám cảnh sát Nhật bản ở địa phương lại loay hoay trong đám tơ vò mà mãi mãi chẳng thể tìm ra đáp án! Có vẻ như tất cả sẽ phải “cạn lời” khi mà nguyên nhân tử vong đã rất rõ ràng “ngộ độc khí CO trong một không gian khép kín”. Chỉ cần vài suy luận đơn giản cũng có thể đoán ra, chẳng hiểu sao Higashino Keigo lại để cho hình ảnh của đám cảnh sát tỉnh trở nên tầm thường đến thế.

Vật lý, toán học & vấn đề bảo vệ môi trường

Dù không ghi điểm với tính chất của một sách trinh thám, song tác giả của Phương trình Hạ Chí lại rất thành công khi để lại dấu ấn với những ví dụ hết sức thực tiễn về vật lý, toán học, hóa học & nêu lên thực trạng về môi trường biển đáng để độc giả suy ngẫm

Ít ai biết một miếng giấy thiếc có khả năng làm gián đoạn sóng điện thoại, và việc của hành khách đi tàu khi không muốn tắt nguồn chỉ cần đơn giản là dùng thiếc bọc quanh nó. Giáo sư Yukawa đã dạy cậu bé Kyohei một cách dễ hiểu như thế.

Tại sao tổng ba góc của một tam giác lại bằng 180 độ? Nhiều lúc chúng ta chỉ cần thêm nhiều những giáo sư như thế, dạy học bằng bản chất, đơn giản là suy luận logic dễ hiểu, không khuôn sáo máy móc. Việc giáo dục gắn với thực tiễn sẽ khiến cho học sinh cảm thấy đi học là điều hết sức tuyệt vời

Khí CO được sinh ra trong điều kiện cháy không hoàn toàn. Ví dụ đơn giản hơn là chúng ta nếu muốn sưởi ấm bằng than tổ ong trong mùa lạnh, rất dễ gây ra tai nạn chết người vì bình thường trong môi trường đóng kín thiếu Oxi, than sẽ cháy không sinh ra CO2 mà lại là khí độc CO.

Bình luận về các tác phẩm của Keigo – Khi nữ chính luôn luôn đóng vai rắn độc

Higashino có vẻ ác cảm với các nhân vật nữ. Bởi không chỉ riêng Phương trình hạ chí mà các tác phẩm khác như Bạch Dạ Hành, Ảo dạ, Trước khi nhắm mắt, Bí mật của Naoko, các nhân vật nữ chính đều được ông Keigo miêu tả với phong cách rất “rắn độc”.

Yuhiko trong Bạch dạ hành, người đã cộng sinh với Ryo, giết người, tổ chức cưỡng hiếp, đe dọa tống tiền, giết người thân… Không có việc gì mà cô không dám làm để đạt được mục đích

Mifuyu trong Ảo dạ, một phiên bản độc ác nâng cấp hơn so với Yuhiko

Naoko [Bí mật của Naoko] được xem là ích kỷ, sẵn sàng lừa gạt người chồng tội nghiệp chỉ để được sống một cuộc đời mới!

Với Phương trình hạ chí, lại một lần nữa, nơi mà những sai lầm của nữ nhân xinh đẹp đều khiến cánh mày râu – những người thân trong gia đình, họ hàng, phải lãnh một hậu quả nặng nề.

Không biết đọc xong tác phẩm này, những người đàn ông thành đạt còn có ý định trăng hoa với những cô bồ nhí bên ngoài nữa hay không. Bởi sau tất cả: Kẻ tù tội, rồi chết vì u não. Người nhẹ nhàng hơn thì lĩnh án vài năm vì tội bao che. Kẻ lại bất đắc dĩ phải ra tay sát hại người vô tội đáng kính, kết cục cũng thê thảm.

Vấn đề giáo dục về những giá trị đạo đức một lần nữa lại trở thành đề tài nóng hổi. Nếu như một cô gái có được môi trường giáo dục tốt, liệu rằng có yêu một người đàn ông đã có vợ, thậm chí cắm sừng ông chồng tương lai? Chắc chắn là không rồi. Viện cớ nhân danh tình yêu, thẳng thắn mà nói thì tất cả chỉ là ngụy biện

Một tác phẩm không quá đỉnh cao về trinh thám, nhưng sẽ lại khiến độc giả nhớ mãi, vì những điều thật đặc biệt.

3. KIM KHÔI TRẦN review sách Phương Trình Hạ Chí

“Phương Trình Hạ Chí” là câu truyện về cái chết kì lạ của cựu cảnh sát hình sự Tsukahara Masatsugu tại vùng biển xinh đẹp bị lãng quên Harigaura, chuyến đi mà dường như không đơn thuần chỉ là một kì nghỉ dưỡng già của viên cảnh sát kì cựu, đã kéo theo những số phận rất khác nhau vào phương trình đi tìm lời giải về những bí mật đằng sau cái chết ấy.

“Phương Trình Hạ Chí” mang phong cách trinh thám đặc trưng hơn nhiều so với các tác phẩm khác của Keigo sensei như Bạch Dạ Hành, Bí mật của Naoko với những suy luận và nghiệp vụ của cảnh sát. Nó có màu sắc giống như cuốn Phía sau nghi can X hơn, cho dù PTHC chưa thể chạm tới chiều sâu của X được. Có lẽ đối với fan của bậc thầy tâm lý trinh thám Higashino Keigo thì PTHC vẫn là một tác phẩm rất đáng để đọc, có được cả sự hào hứng và nhiều những nút thắt li kì nếu so với những cuốn như Ngôi nhà của người cá say ngủ hay Trứng chim cúc cu này thuộc về ai.

Tuy nhiên điểm mạnh về mô tả tâm lý nhân vật không được Keigo sensei thể hiện nhiều trong cuốn sách này, vì mình không đặc biệt ấn tượng với bất cứ nhân vật nào, cho dù thám tử bất đắc dĩ Yukawa hay cô gái với tình yêu biển Narumi đều là những nhân vật rất có điểm nhấn. Nhịp độ của truyện cũng tương đối chậm ở đoạn đầu vậy nên nếu chưa từng đọc sách của Keigo ss, hản là nhiều bạn đọc có thể sẽ muốn bỏ dở giữa chừng. Nhưng nhìn chung thì câu chuyện của PTHC càng đọc càng thấy hay dù tình tiết không quá khó đoán, thêm thắt vào trong đó là những kiến thức khoa học rất gần gũi, không tạo ra những ám ảnh quá sâu sắc như trong Bạch dạ hành hay Phía sau nghi can X nhưng cũng vẫn lắng đọng lại những suy nghĩ về tình cảm gia đình hay những sai lầm mà [lại một lần nữa] bắt nguồn từ một [vài] người phụ nữ và cả những góc nhìn rất khác về thái độ đối với khoa học trong việc khai thác thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Đánh giá: 7/10

4. MEI review sách Phương Trình Hạ Chí

Nhân vật “thám tử” trong quyển này là nhà vật lý Yukawa giống trong “Phía Sau Nghi Can X“, vì một dự án khai thác quặng biển mà anhđã đến vùng quê Harigaura – một miền biển đang xuống cấp do không phát triển du lịch được như xưa. Yukawa trọ ở nhà trọ Lục Nham Trang, tại đây anh quen biết với cậu bé Kohei học lớp 5 đang đến ở nhờ nhà bác mình, vì bố mẹ đi công tác xa. Một buổi tối, ở ven biển phát hiện xác của người đàn ông tên Tsukahara cũng đang trọ ở Lục Nham Trang, nguyên nhân ban đầu được xác định là do say rượu nên trượt chân ngã xuống mỏm đá. Yukawa và một vị cảnh sát tỉnh người quen của nạn nhân lại phát hiện những điểm bất thường của vụ tai nạn này.

Văn phong của bác Keigo vẫn nhẹ nhàng, mượt mà, đặc biệt là cuốn này đề cập khá nhiều kiến thức vật lý, chẳng hạn như khi Yukawa chỉ cậu bé Kohei làm pháo phụt. Tuy nhiên mình thấy không ấn tượng khả năng điều tra của Yukawa cho lắm, tác giả không nhấn mạnh vào chuyện đó mà hướng người đọc vào câu chuyện nhà ông chủ quán trọ hơn. Vấn đề môi trường cũng được đề cập khá nhiều, cô con gái Narumi của chủ nhà trọ rất tâm huyết với việc bảo vệ miền biển quê hương nên đã cố tình làm khó dự án khai thác quặng. Khi vụ việc được phơi bày mình lại nghĩ động cơ không đáng lắm, nhất là vụ ông Tsukahara. Và việc kéo cháu mình giúp mình giết người cũng không chấp nhận được rồi, cứ nghĩ là trẻ con thì không biết gì ấy. Một quyển sách dễ đọc, mạch truyện cũng nhẹ nhàng, chậm nhưng không gây khó chịu.

5. MARU review sách Phương Trình Hạ Chí

À thì tác giả ruột, nên vẫn chăm chỉ chi hầu bao. Rồi lại còn hẹn thằng em phải review cho nó, nên dù vẫn hơi hướng lười biếng từ năm cũ còn quẩn quanh thì tôi vẫn phải ngoi lên thế này đây.

Trong Phương trình Hạ chí, Yukawa đã trở lại. Nói thật thì tôi vẫn căm anh này từ hồi Phía sau nghi can X lắm, vì lẽ phải của anh mà tâm huyết của Ishigami đổ sông đổ bể. Nhưng thôi, cứ phải gác lại đã, vì series có anh còn dài, tức là tôi còn phải gặp anh nhiều.

Thừa nhận là khó có tác phẩm nào của Higashino Keigo có thể vượt qua được X, nhưng câu chuyện này quá dễ đoán. Chủ đề gia đình có yếu tố gây nhiễu là bảo vệ môi trường, không phải là chủ đề lạ, càng không phải chủ đề khó làm người ta thổn thức. Nhưng tác phẩm này không chỉ dễ đoán, mà còn có phần chưa rõ ràng. Senba là một phần quan trọng, rất quan trọng, câu chuyện của Senba cũng hay, cũng thú vị, nhưng câu chuyện chính thì bị bỏ quên, không có cái gì để chứng minh cho động cơ ngoài mấy chi tiết vô thưởng vô phạt.

Điểm tôi thích nhất ở Keigo là tâm lý nhân vật. Nhưng trong tác phẩm này tôi không thấy có nhân vật nào đáng để tôi suy tư. Chính ra cuộc chiến trong anh chàng Yukawa tôi còn thấy ly kỳ chông chênh hơn tuyến chính, vì cậu chàng cân nhắc về Kyohei mãi mới nói được.

Quanh đi quẩn lại, là fan thì vẫn mua được. Trinh thám cũng ổn. Duy mấy đứa như tôi, chờ đợi một câu hỏi hay, một chủ đề sâu sắc, thì nên chuẩn bị trước.

Được cái truyện này nhẹ nhàng. Cần chút gì đó yên bình tĩnh tại thì ổn.

6. MAI NGUYỄN PHƯƠNG LINH review sách Phương Trình Hạ Chí

“Trên thế giới này, vẫn còn những bí ẩn mà khoa học hiện đại không thể lý giải được. Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học, có lẽ đến một lúc nào đó những bí ẩn ấy cũng được làm sáng tỏ. Vậy khoa học có hạn chế gì không? Nếu có thì điều gì sinh ra những hạn chế ấy?

“Đó chính là con người. Bộ não con người. Như trong thế giới toán học chẳng hạn, khi người ta phát hiện ra một lý luận gì mới, họ sẽ cần các nhà toán học khác kiểm chứng xem lý luận đó có đúng hay không. Nhưng những lý luận mà họ phát hiện ra ngày một tiên tiến hơn, Khi đó đương nhiên, số lượng nhà toán học đủ khả năng kiểm chứng sẽ bị hạn chế lại. Vậy giả sử như lý luận đó quá khó hiẻu, không một ai có thể lý giải được thì sao> Để nó trở thành một lý luận vững chắc, chúng ta lại buộc phải đợi đến khi có một thiên tài khác xuất hiện. Đó chính là lý do vì sao chú nói bộ não của con người tạo ra giới hạn cho khoa học. Nhóc hiểu chứ?”

Xin mượn lời trích dẫn mình khá tâm đắc của giáo sư Yukawa đê bày tỏ một số cảm xúc cá nhân, lời khen ngợi dành cho Phương trình hạ chí để mình khỏi quên, để có cái nhìn nhận.

Vì cùng series với Phía sau nghi can X nên chúng ta lại gặp lại vị giáo sư vật lí tài ba được mệnh danh là thám tử Galileo, người đã từng đấu trí với Ishigawa trong Phía sau nghi can X trong sự tương quan giữa vật lý và toán học. Một câu nói mà mình vẫn hay nói sau khi đọc xong Keigo đó là vẫn là bóng dáng Keigo, không quá nhiều sự chý tâm vào bằng chứng, vào pháp y, không quan trọng thủ đoạn và hành vi gây ra tội ác như thế nào vì việc đó các tác phẩm trinh thám hiện đại đã làm rất tốt, cái Keigo chú trọng chính là sự day dứt, sự dằn vặt, cảm giác người, những vấn đề thuộc về lương tâm của từng nhân vật xoay quanh vụ án ấy, đến nỗi chính độc giả sau khi khép lại cuốn sách vẫn phải trăn trở, nếu là mình thì phải xử sự như thế nào, làm như vậy có đúng không, như thế nào mới là mới là không trái với lương tâm. Tiếng lòng của chúng ta thổn thức? Cô con gái của nhà trọ Lục Nham Trang cũng sẽ mang theo bí mật quá khứ dằn vặt hiện tại và tương lai, nhiệm vụ của cô chỉ có thể là trân trọng cuộc sống này hơn nữa. Cậu bé Kyohei sẽ mang theo những câu hỏi khó có đáp án cho đến lúc trưởng thành và có thể tự mình giải đáp những thắc mắc ấy. Cậu sẽ phải trau dồi, học tập và nỗ lực hơn nữa. Với lời khuyên không cần phải sốt ruột, Kyohei tự tin mình không hề đơn độc trong hành trình trăn trở đó, vì Yukawa luôn đồng hành với cậu, nhưng mình tự hỏi cho đến khi cậu bé ngày nào tìm ra lời giải cho bản thân, liệu cậu có đau đớn và thương xót đến cạn khô trái tim khi biết sự thật phũ phàng đến như vậy, liệu cậu có cảm thông và thấu hiểu cho người ông, người bà, người chị mình? Và Kusanagi, Yukawa hẳn sẽ trăn trở không dứt về đạo đức nghề nghiệp, khi đã đi một hành trình dài, tiếp bước vị cảnh sát kì cựu của tổ điều tra số một Sở Tokyo, nhìn thấu vào sự thật nhưng không thể phanh phui nó trước cán cân công lý, bởi lẽ đằng sau sự thật là những đời người, những cái lý cái tình không thể phân minh. Setsuko, Senba, Shigeharu, những số phận tội nghiệp đều mang trong mình một cõi lòng không thể chia sẻ, chỉ có thể im lặng mang theo cho đến hết cuộc đời này. Mình đánh giá cao tòa án lương tâm của Keigo trong mọi tác phẩm.

Một điểm mình thích ở Phương Trình Hạ Chí cũng như các điểm sáng của tp khác là sự liên kết giữa những sự vật, sự kiện, con người không liên quan, nhỏ bé và đời thường, biến sự vô lý thành hợp lý [tuy nhiên cách viết này đôi lúc cản trở và làm điểm tối trong một số tp khác của ông]. Những vấn đề lương tâm đạo đức không cần phải là của ai đó vĩ mô mới được chú ý đến, đôi khi nó xuất phát là số phận của những con người vô danh vẫn cần phải giải quyết, chú ý và trân trọng. Thói quen không bỏ sót những tình tiết dù là nhỏ nhất giúp ta giải quyết nhiều bài toán khó không có đáp án thường bị người đời bỏ lửng vì không quan trọng. Một phong cách trinh thám cổ điển cũng làm mình hài lòng ở 2 trạng thái: suy luận logic và sau đó kiểm chứng. Cú twist nhẹ nhàng nhưng không gây khó chịu.

Cũng giống như Phí Sau Nghi Can X vì cùng series, mạch truyện và ý nghĩa nhân văn là bảo vệ những người mình yêu thương, bảo vệ đã lên tầm cao mới, đôi khi nó chính là ý nghĩa sống của một số phận trong cuộc đời này. Tình thương khiến người ta mù quáng, sẵn sàng đặt tình cảm cao hơn lý trí, sẵn sàng phạm tội ác và không quan tâm tới công lý nữa, không trách được vì bản chất con người là vậy. Sự bảo vệ của 2 người đàn ông tuy thể hiện khác nhau đều khiến mình trân trọng. Cách bảo vệ cũng là cách yêu. Cách bảo vệ của Senba dứt khoát, dồn dập nhưng không khỏi yếu lòng, cách bảo vệ của Shigeharu tuy thầm lặng mà quá đau đớn, suy tư. Điểm cuối cùng mình thích là đọc về những thí nghiệm của hai chú cháu, cách giáo sư phát biểu về vật lý, về quá trình tìm hiểu khoa học đầy khó khăn nhưng hấp dẫn của các nhà khoa học nghiên cứu, nói chung thích đọc và nghe về cách đứng trên lâp trường nhà khoa học để chia sẻ tâm tư của mình.

Điểm duy nhất mình không thích như một vài anh chị khác chính là Yukawa trong Phương trình hạ chí không lôi cuốn lắm khi so với Phía sau nghi can X. Cảm giác giáo sư hơi nhàn nhã, đủng đỉnh, thích bung lúc nào bung vì là người duy nhất cân hết vụ án trong lần này, không hấp dẫn bằng sự cân tài giữa giáo sư và kẻ giết người trong Phía sau nghi can X, [hai bộ não về toán học và vật lý đã mở, khép vụ án ngoạn mục trong tư duy logic.] Vậy là dù không phải tác phẩm đỉnh cao nhưng mình khá dễ chịu với tác phẩm lần này vì những cái khá của tác giả, còn mấy cái điểm tối xin phép không nói tới tùy cảm nhận mỗi người.

7. NGUYỆT NGUYỆT review sách Phương Trình Hạ Chí

Mới đọc cuốn này có cảm giác giông giống Ma nữ của Laplace, cũng sử dụng những chi tiết về khoa học, vật lý [cuốn ấy mình không thích lắm], nhưng hóa ra không giống. Đây là một câu chuyện khác và xuất sắc hơn nhiều.

Phương trình hạ chí là một trong những cuốn trinh thám suy luận điển hình cho cách viết trinh thám của Keigo: sử dụng những lập luận logic để đưa ra những kết luận cuối, xây dựng nhân vật có chiều sâu về cả quá khứ hiện tại, xoáy sâu vào những vấn đề đạo đức.

Đôi chương đầu không có gì đáng kể, chỉ ở bình thường. Nhưng càng đọc lại càng hay, nhất là khi án mạng xảy ra. Nhưng không giống toán học, phương trình được giải ra kết quả, nhưng đó chưa phải là tất cả. Một vụ án lật mở bao nhiêu uẩn khúc đằng sau.

Đọc tới hồi kết lòng mình chùng xuống, trái tim như cũng nghẹn lại. Cái cảm giác bồi hồi khi gấp lại sách đúng kiểu Keigo, cho chúng ta nhiều trăn trở, nghĩ suy. Về cuộc đời, về con người. Trong truyện các nhân vật vì bảo vệ người thân yêu của mình mà sẵn sàng làm mọi chuyện, kể cả giết người vô tội và làm liên lụy người khác. Mình cảm thấy họ ích kỷ vô cùng. Câu hỏi “Tình yêu có thể khiến người ta đi xa đến đâu?” lần nữa lại được đặt ra trong tác phẩm này.

Bỏ qua một vài sự “tình cờ” có phần áp đặt [mình đã nhận ra điểm này trong một số truyện khác của Keigo] thì có lẽ Phương trình hạ chí là một trong những cuốn hay nhất của Keigo đã xuất bản ở Việt Nam.

– 8/10đ.

8. T R A N review sách Phương Trình Hạ Chí

Câu chuyện mở ra với bối cảnh tại vùng biển Harigaura với sự mâu thuẫn mãnh liệt về việc bảo vệ tài nguyên đáy biển và cứu lấy môi trường sinh thái ở nơi đây. Vốn dĩ đây là một buồn chán và tẻ nhạt vì chẳng có khách đến thăm, không khí thì bình yên vắng lặng cho đến khi cái chết của một thanh tra gạo cội xảy ra. Mọi thứ trước đó vốn dĩ đã có chút cuộn trào ngầm về việc xung đột trong việc bảo vệ thì nay án mạng ấy sẽ khiến cho mọi việc càng hỗn loạn hơn. Đối với hai nhân vật là cậu bé Esaki Kyohei và nhà vật lý học Yukawa Manabu đến với hòn đảo này trong sự bất đắc dĩ và tình cờ cũng bị cuốn vào những đợt sóng tranh đấu ấy – nơi khu trọ Lục Nham Trang thực sự nháo nhào.

Thực chất “Phương trình hạ chí” có mạch văn chậm chứ không phải là hoàn toàn kịch tính như những cuốn trinh thám khác. Nhưng sự thật được bóc trần về mỗi nhân vật lại khiến cho câu chuyện trở nên vô cùng thú vị và lôi cuốn. Quyển sách chính xác là đã mở phương trình về số phận của các nhân vật trong truyện khi mà những tổn thương trong quá khứ tăm tối, những tội lỗi sai quấy ở thời điểm hiện tại khốc liệt và cả những ý nghĩ mơ màng cho tương lai vô định,… tất cả đều trở thành những biến số bí ẩn cho hệ phương trình này. Những ngày hạ chí mà trời vẫn nóng cực độ, vùng biển vốn tưởng bình yên thì luôn có một sóng thần ngầm đang sẵn sàng trỗi dậy bất kỳ lúc nào – có lẽ đáp án cho phương trình này sẽ vô cùng phức tạp và không hề dễ đoán.

Và tác giả đã cho thấy rằng phương trình về cuộc đời này không thể có đáp án vô số nghiệm và không dễ ra kết quả như việc áp dụng một công thức nhất định được. Mười lăm năm bi kịch sẽ mãi làm hằn sâu vết thương trong lòng Narumi. Sự nuối tiếc và day dứt sẽ ám ảnh cuộc đời của ông Senba vĩnh viễn cho đến lúc xuống mồ vì những quyết định sai lầm. Và nghiệm cho phương trình của cuộc dời cậu bé Kyohei cũng vẫn còn rất nhiều băn khoăn, chưa thể giải ra ngay được.

Vì thế, Narumi năm ba mươi tuổi sẽ mãi mang vết thương của 15 năm trước rồi đau thương, khắc khoải, mong chờ. Ông lão Senba với chọn lựa nghiệm mang tên hi sinh sẽ sống mãi trong sự hối tiếc, cũng là nỗi dằn vặt khôn nguôi với những người ông yêu thương, với cả ân nhân của ông. Ngay chính cậu bé Kyohei đang tuổi ăn tuổi chơi vô tư lự cũng phải đứng trước bài toán cuộc đời đầy khó khăn, khốc liệt.

Thêm vào đó, tác giả còn mở rộng phương trình này hơn với những đề bài về việc bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, về việc giải quyết xung đột giữa các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, về việc phải thể hiện trách nhiệm của một người vì cộng đồng, vì tập thể ra sao. Chính vì các vấn đề quá rộng lớn và không thể đưa nghiệm hoàn hảo cho các phương trình của những vấn đề đó nên đôi khi “Phương trình hạ chí” chỉ khép đoạn với những kết quả mơ hồ và không rõ rệt. Có lẽ, khi đọc tác phẩm này, chúng ta phải cùng nhau tìm nghiệm phương trình với tác giả vì chưa có câu trả lời trọn vẹn trong sách. Đáp án phù hợp nhất vẫn nằm ở cách tính toán và đánh giá của mỗi người.

9. NT PHÚC review sách Phương Trình Hạ Chí

Phương Trình Hạ Chí – tập thứ 3 về nhân vật Galileo đã xuất bản tại Việt Nam. Coi Goodread thì thấy điểm cao hơn Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ đó, đáng kì vọng ha.

Về tác phẩm

  • Vì truyện thuộc series, nên buộc phải so sánh với 2 người anh trước đó rồi.
  • Đầu tiên vẫn là Galileo [Yukawa].
  • Anh đã trở lại, tần suất xuất hiện khá nhiều, đủ thấy được vai trò chính bên phe điều tra của anh. Ngoài những tình tiết về phá án, lần này ta còn thấy được một phần tính cách đời thường của anh. Bằng cách thêm vào một cậu nhóc, Galileo có cơ hội thể hiện vai trò mentor, và một chút của người bảo hộ.
  • Cá nhân tôi rất thích các tình tiết ngoài lề thế này, nó cho ta thấy được đầy đủ hơn về nhiều mặt của các nhân vật, cũng đóng vai trò như các quãng nghỉ nhẹ nhàng xuyên suốt mạch truyện. Galileo những lúc bên cậu bé vẫn nói chuyện theo cách không giống ai, nhưng không còn sự lạnh lùng nữa, thay vào đó là sự nhiệt huyết và quan tâm.
  • Tóm lại, về nhân vật trung tâm Galileo, cuốn này còn xuất sắc hơn cả Phía Sau Nghi Can X.
  • “Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.” [trích Phương Trình Hạ Chí]

Về vụ án và hung thủ.

  • Bản thân vụ án không quá phức tạp hay có pha lật kèo nào quá bất ngờ. Nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ câu chuyện phía sau nó. Một câu chuyện về tình yêu nam nữ và tình yêu gia đình, là 2 loại tình cảm có thể trở thành động lực giúp ta làm những điều phi thường.
  • Phong cách này làm tôi liên tưởng tới trinh thám cổ điển như Sherlock Holmes, cái kiểu vụ án có chút xíu mà câu chuyện cảm động giải thích lý do gây án lại dài lê thê. Nhưng Phương Trình Hạ Chí không quá sa đà như vậy, câu chuyện ngắn vừa đủ để không bị dài dòng, mà vẫn gợi được sự cảm thông của độc giả.
  • Cách kể thì vẫn theo hướng trinh thám đại trà, là lần giở từng dấu vết để truy tới sự thật cuối cùng. Lượng nhân vật còn đồ sộ hơn cả Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, và tất nhiên, độ nhạt nhòa cũng vậy. Quá nhiều nhân vật phụ tôi không nhớ nổi tên, đặc biệt là bên tổ điều tra. Vẫn biết trong thực tế, sự rối rắm của các tổ chức pháp luật là có, nhưng đâu nhất thiết phải đưa vào truyện để cho rối lên như vậy chứ. Dù phải điều tra ở nhiều địa điểm, thì mỗi nơi 1 người là được rồi. Truyện mà, làm sao để người đọc đừng bị phân tâm bởi những cái không đáng mới quan trọng, chứ nhồi nhét để “cho giống thật” đâu đem lại giá trị tích cực gì…

Về thông điệp và các câu chuyện bên lề.

  • Như một đặc sản của trinh thám Nhật, lần này Keigo đem tới cho chúng ta thông điệp mạnh mẽ về sự hi sinh cho những người mình yêu thương. Thầm lặng và hết mình, dù động lực là gì đi nữa, sự hi sinh đó đều đáng trân quý.
  • Ngoài ra, còn những câu chuyện nho nhỏ về những sự kết nối ấm áp giữa người với người, đặc biệt như tôi đã nói ở trên, là mối quan hệ giữa Galileo và cậu bé Kyohei.

Tóm lại, đây vẫn là một cuốn trinh thám Nhật tốt. Nếu so sánh với 2 người anh thì, ăn đứt Sự Cứu Rỗi Củ Thánh Nữ, và một 9 một 10 với Phía Sau Nghi Can X. Cụ thể hơn, so với Nghi Can X, vụ án lần này chưa lắt léo bằng, nhưng về các yếu tố khác, thì cuốn này lại thú vị hơn. Nói chung, đã yêu thích Keigo thì không nên bỏ qua Phương Trình Hạ Chí.

Sài Gòn, 5 tháng 7, 2020

III. Trích dẫn sách Phương Trình Hạ Chí

Trích dẫn hay trong Phương Trình Hạ Chí

“Chán quá nhỉ. Tưởng đâu chỉ là tai nạn, ai ngờ lại thành vụ lớn thế này. Cái vị chánh thanh tra của Sở Cảnh sát Tokyo ấy đã mua việc cho chúng ta rồi. Mấy cha cảnh sát tỉnh chắc đang nói ra nói vào, kiểu như kết quả điều tra ban đầu của chúng ta quá tệ, nhưng với tình trạng đó ai chẳng nghĩ là tai nạn cơ chứ. Mấy vụ thế này mà vụ nào cũng đòi giải phẫu thì lại chẳng mang chúng ta ra mà khiển trách ấy à.”

“Kyohei vừa nhìn Yukawa, vừa hít thở sâu. Cậu có cảm giác một ngọn đèn vừa được thắp lên trong tim mình. Cảm giác nặng nề đè nặng trái tim cậu từ suốt mấy ngày trước đã biến mất hoàn toàn. Giờ đây cuối cùng cậu đã hiểu mình muốn nói điều gì với Yukawa.”

“Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.”

“Có thể cô là một chuyên gia bảo vệ môi trường, nhưng về khoa học chắc cô vẫn chỉ là một người nghiệp dư thôi nhỉ? Cô biết được đến đâu về việc khai thác tài nguyên dưới biển? Nếu muốn cân đối hai thứ đó, cô cần có kiến thức và kinh nghiệm tương đương về cả hai. Nếu chỉ coi trọng một bên mà đã cho là đủ thì đó là thái độ ngạo mạn. Chỉ khi nào cô biết tôn trọng công việc và cách suy nghĩ của đối phương, lúc đó con đường để cân đối hai bên mới mở ra được.”

Trích đoạn sách Phương Trình Hạ Chí

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Phương Trình Hạ Chí – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

Chủ Đề