Đánh giá hệ thống học tập trực tuyến

Hệ thống K12Online dễ sử dụng cho phụ huynh, giáo viên dễ sử dụng hơn các hệ thống đã sử dụng trước. Đặc biệt là có app để sử dụng trên smartphone, dùng rất thuận lợi cho các trường bị thiếu biên chế giáo viên. Rất thích tính năng cho xem lại bài giảng, giúp học sinh có thể học đi, học lại để củng cố kiến thức.

Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học..

Ngày đăng : 13/07/2022    Xem với cỡ chữ

 

Bản in

Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học . Đây là hoạt động phổ biến, mang tính đặc trưng ở bất cứ xã hội nào từ cổ đại đến hiện đại. Dạy học là hoạt động mang tính lâu dài, thường gắn với mới một quá trình cụ thể bao gồm gồm hai hoạt động dạy và học. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng như chịu sự ảnh hưởng khách quan lẫn chủ quan đã thúc đẩy dạy học phát triển ,bước lên một tầm chuyển biến mới. Đó là dạy học trực tuyến.

Nhận thức chung

Dạy học được coi là yếu tố nòng cốt của giáo dục. Trong giáo dục, dạy hay giảng dạy là sự phối hợp chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm, thường được tổ chức trong một ngành học và nói chung là cung cấp sự kích thích cho sự phát triển tâm lý và trí tuệ của một người bởi một người khác. Học hay học tập là sự phối hợp giữa việc tiếp thu kiến thức và ứng dụng thực tiễn, thường cũng được tổ chức trong một ngành học hay rộng hơn là trong một vấn đề, một chủ đề cụ thể và nói chung là cung cấp những khái niệm cơ bản, những hoạt động cần thiết là gia tăng trí tuệ và trải nghiệm của người học.

Hình 1: Hai cách hiểu khác nhau cơ bản về dạy học

Có hai cách hiểu khác nhau cơ bản về dạy học. Cách thứ nhất coi giảng dạy là một hoạt động lấy người hướng dẫn hay giáo viên làm trung tâm, trong đó kiến ​​thức được truyền từ một người đã có được kiến ​​thức đó đến những người mới học: giảng dạy như là truyền thụ kiến ​​thức. Thứ hai coi giảng dạy là một hoạt động lấy người học làm trung tâm, trong đó người hướng dẫn đảm bảo rằng việc học tập được thực hiện cho những người mới học và hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích họ trong việc tạo ra kiến ​​thức mới một cách chủ động và độc lập: giảng dạy như hỗ trợ sáng tạo kiến ​​thức. Cách hiểu thứ nhất đề cao người dạy hay người thầy như Khổng Tử và vẫn tiếp tục đến ngày nay nhưng chủ yếu đề cao những người truyền thụ kiến thức, tư tưởng mang tính lịch sử hay có tầm hưởng sâu rộng trong xã hội hay trên thế giới. Cách hiểu thứ hai thì chú trọng người học hơn và đang là xu thế phát triển. Ngày nay, khi kiến thức đã trở nên phổ biến đại trà, nhiều kiến thức có thể bị mở rộng hoặc làm sai giá trị ban đầu để tạo ra những khái niệm mới thì người học cần được chú trọng là trung tâm để bảo tồn phát huy những kiến thức đúng, duy trì và mở rộng tư tưởng đạo lí chung, chuẩn cho thế hệ sau này.

Dạy học trực tuyến hay E-Learning là một xu hướng mới nổi từ đầu thế kỉ 21 cùng với sự phát triển bùng nổ của internet. Theo wiki, E-Learning là phương thức học ảo thông qua một thiết bị nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa. Điều đó có nghĩa internet là điều kiện cần để E-Learning có thể triển khai. Nhưng điều kiện nào là điều kiện đủ để E-Learning trở thành phương thức dạy học hiệu quả?

Thực tiễn thế giới

Dạy học trực tuyến đã xóa nhòa mọi khoảng cách về không gian, thời gian, sự dễ dàng và thuận tiện mà dạy học trực tuyến tạo ra sức hấp dẫn cho người học ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những người đang cố gắng cân bằng giữa công việc, gia đình và các nghĩa vụ khác với việc hoàn thành chương trình cấp bằng hoặc chứng chỉ. Từ những năm 2012, một số quốc gia trên thế giới đã có những chiến lược đúng đắn để đầu tư, phát triển cho hình thức dạy học trực tuyến với mục tiêu: Phổ cập, nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy; Đáp ứng phong cách học tập hoặc nhu cầu của người học; Cải thiện khả năng tiếp cận của người dùng và tính linh hoạt về thời gian để thu hút người học tham gia vào quá trình học tập.

Hoa Kỳ là quốc gia luôn nằm trong top đầu về giáo dục trực tuyến trên thế giới hiện nay, với hàng trăm trường cao đẳng trực tuyến và hàng nghìn khóa học trực tuyến dành cho sinh viên. Một nghiên cứu năm 2011 của Sloan Consortium cho thấy 6 triệu sinh viên ở Mỹ đang tham gia ít nhất một khóa học trực tuyến, gần một phần ba trong số đó đăng ký học đại học. Trên thực tế, số đăng ký tham gia các khóa học trực tuyến đang vượt xa tỷ lệ đăng ký của giáo dục đại học nói chung, với sự gia tăng 10% số sinh viên trực tuyến từ năm 2010 đến năm 2011 so với mức tăng chỉ 2% nói chung. Đáp lại, 65% các cơ sở giáo dục đại học hiện nay nói rằng học trực tuyến là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn của họ. Tất nhiên, Mỹ không chỉ dẫn đầu về số lượng tuyệt đối. Hầu hết các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ cung cấp ít nhất một số khóa học trực tuyến và một số trường đã phát triển đầy đủ các chương trình cấp bằng trực tuyến, ngay cả ở cấp độ thạc sĩ và tiến sĩ. Thậm chí có ảnh hưởng lớn hơn là các chương trình giáo dục mở của Hoa Kỳ như các chương trình được cung cấp tại MIT, vốn là mô hình quốc tế để học tập. Theo nghiên cứu khác vào năm 2017, ít nhất 6 triệu sinh viên Mỹ đã tham gia các khóa học đại học trực tuyến để đào tạo chuyên môn và luyện thi chứng chỉ hàng năm và giá trị của thị trường E-Learning của Mỹ vào khoảng 23 tỷ đô la.

Đứng ở vị trí thứ hai về sự vươn lên của ngành dạy học trực tuyến là Ấn Độ, nơi mà học trực tuyến đã phát triển nhanh hơn so với các cơ sở giáo dục truyền thống trong nước. Đất nước này đã từng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục lớn với hơn một nửa dân số của đất nước chỉ được tiếp cận giáo dục hạn chế - cụ thể là chỉ đến lớp 4. Cuộc khủng hoảng này đến từ hai nguyên nhân chính như sau: Một là: địa lý và phương tiện di chuyển; Hai là: eo hẹp, khó khăn về tài chính. Chính điều này là hạn chế nhưng cũng là động lực để E-learning mở đường cho sự phát triển trên quy mô lớn trong vài năm qua. Nó cho phép mọi người ở ngay cả những vùng xa xôi nhất của đất nước có thể tiếp cận với trường học và giáo dục đại học, miễn là họ có kết nối internet tốt. Sự ra đời của lĩnh vực E-Learning ở Ấn Độ đã góp phần giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, tri thức… trong xã hội. Thông qua việc học trực tuyến, mọi người có thể tiếp cận với bất cứ điều gì họ muốn học trong khi có thể làm việc để hỗ trợ bản thân và gia đình của họ.

Từ những năm 2012, Trung Quốc có gần 70 trường cao đẳng trực tuyến khác nhau, con số có thể sẽ tăng lên trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu cao về cơ hội học tập trực tuyến. Trung Quốc là đất nước có lịch sử lâu đời về giáo dục từ xa, bắt đầu từ những năm 1960 với các khóa học được cung cấp qua đài phát thanh và truyền hình. Ngày nay, quốc gia này cũng đang nhanh chóng trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Bên cạnh các vấn đề về truy cập internet ở các vùng nông thôn và sự gia tăng tự đào tạo, tự cấp bằng của các nhà máy ở Trung Quốc, một số công ty giáo dục trực tuyến lớn đang tăng trưởng nhanh chóng, phần lớn là do nhu cầu gia tăng lao động được đào tạo chuyên sâu của lực lượng lao động toàn cầu đến từ Trung Quốc.

Khi nói đến những tiến bộ trong dạy học trực tuyến ở các quốc gia Châu Á, Hàn Quốc đã có những lúc dẫn đầu do sự thúc đẩy bởi ngành công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ và độ bao phủ truy cập internet tốc độ cao rộng khắp ở quốc gia này. Tuy nhiên, đã có những thời điểm mà sự phát triển của dạy học trực tuyến ở Hàn Quốc gặp trở ngại, phần lớn xuất phát từ sự kỳ thị giáo dục trực tuyến vẫn còn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc, nơi giáo dục trực diện được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều đó có thể không cản trở sự phát triển của các chương trình giáo dục trực tuyến của quốc gia này vì họ có kế hoạch sử dụng các nguồn lực của mình để không chỉ dạy học sinh Hàn Quốc mà còn cả những học sinh ở các quốc gia khác trên thế giới, cung cấp thêm các khóa học bằng tiếng Anh và thúc đẩy khả năng của họ để cung cấp những gì họ gọi là “học tập thông minh”. Họ cũng đang làm việc để khuyến khích nhiều sinh viên Hàn Quốc đăng ký học, ghép nối các khóa học trực tuyến với các hoạt động trên không gian ảo trong khuôn viên trường hoặc trong các môi trường xã hội.

Trong khu vực Đông Nam Á, Maylaysia có thể được coi là quốc gia phát triển E-Learning điển hình nhất. Malaysia ước tính có khoảng 21 triệu người [68% dân số] truy cập Internet và ước tính có 19,9 triệu người dùng điện thoại thông minh [64% dân số] - cho thấy cơ sở hạ tầng Internet mạnh mẽ và sự thâm nhập của điện thoại di động. Mặc dù tỷ lệ nhập học các bậc trước đại học của Malaysia là khoảng 98%, nhưng khả năng tiếp cận giáo dục đại học vẫn là một thách thức đối với nhiều người Malaysia ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và vùng kém phát triển. Đáp lại, chính phủ Malaysia đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống phân phối và quản lý E-Learning trong các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là việc số hóa sách giáo khoa và cung cấp máy tính xách tay và máy tính bảng cho sinh viên từ những năm 2018. Thế hệ trẻ rất hào hứng với các giải pháp của E-Learning và giáo dục trực tuyến, cho phép thị trường E-Learning của Malaysia phát triển mạnh mẽ.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam, dạy học trực tuyến hay E-Learning đã không còn là một khái niệm xa lạ. Bằng Đại học từ xa chính thức được công nhận có giá trị tương đương với bằng Đại học chính quy từ ngày 01/7/2019 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14. Đây là dấu mốc đầu tiên cho việc công nhận và khẳng định vai trò của E-Learning trong nền giáo dục nước nhà. Tiếp đó, Việt Nam cùng thế giới đã trải qua 2 làn sóng đại dịch Covid-19, mọi quá trình đào tạo, dạy học trực tiếp bị gián đoạn và dạy học trực tuyến như một chìa khóa giải quyết vấn đề giáo dục quốc gia dù văn hóa Việt Nam vẫn chuộng nền giáo dục trực tiếp truyền thống hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học sơ sở và cấp trung học phổ thông để có căn cứ triển khai dạy học trực tuyến trong các cấp phổ thông. Tuy nhiên, học trực tuyến có lẽ không còn ở vị trí là một phương thức dạy học tạm thời mà nên xem xét để xây dựng trở thành vị thế chủ đạo bởi tính kế thừa, tiếp nối và phát triển từ thời điểm hậu đại dịch cùng sự phát triển phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Để phát triển một cách nhất quán, mạch lạc các nền tảng dạy học trực tuyến hiệu quả, cần thiết có “khung kế hoạch”, “khung chương trình” cho dạy trực tuyến. Cần có “khung đánh giá”, “chuẩn kiểm tra, đánh giá” cho việc học trực tuyến. Để từ đó xây dựng các khóa học, các bài kiểm tra phù hợp và làm nền móng cho nền tảng dạy học trực tuyến. Tất nhiên khi tất cả đều còn là mới mẻ, khó mà tránh được sai sót. Vì vậy cần có các đề xuất thí điểm và triển khai sớm để làm điển hình phát triển chung cho dạy học trực tuyến.

Về yếu tố kỹ thuật, nền tảng dạy học trực tuyến cần ba yếu tố cốt lõi: kết nối internet, công nghệ xây dựng nền tảng và bảo mật an toàn thông tin. Nếu như công nghệ xây dựng nền tảng hiện nay đã phổ biến, mã nguồn mở thì yếu tố internet hay bảo mật an toàn thông tin cần chú trọng hơn cả. Để các khóa học kết nối ổn định, tốc độ cao, chất lượng hình tốt nhất thì Việt Nam cần thiết phủ sóng 4G, nghiên cứu xây dựng công nghệ 5G, 6G. Nâng cao, cập nhật kỹ thuật an toàn thông tin bởi chỉ khi các tài liệu, bài thi, quá trình kiểm tra được bảo mật an toàn thì dạy học trực tuyến mới đạt hiệu quả để đánh giá thực tiễn lâu dài.

Về yếu tố xã hội, nền tảng dạy học trực tuyến cần hai yếu quan trọng: lứa tuổi và nội dung học. Đối với một xã hội vẫn trọng giá trị học và thi trực tiếp thì cần đánh giá lựa chọn lứa tuổi phù hợp để triển khai hiệu quả học trực tuyến. Ví dụ đối với lứa tuổi hoặc tương đương trình độ từ đại học, việc dạy trực tuyến giải quyết rất nhiều vấn đề về thời gian, không gian. Bản chất đào tạo từ xa chính là dạy học trực tuyến nhưng với sự phát triển nền tảng dạy học trực tuyến cần đạt được những giá trị cao hơn về chất lượng khóa học cũng như tính uy tín của những bài kiểm tra trực tuyến. Nội dung học cũng quan trọng bởi cùng với xu thế hội nhập, nhiều ngành học mới mở ra, nhiều bộ môn mới được phát triển mà việc dạy học trực tuyến đôi khi lại hiệu quả hơn cả. Điển hình các lớp đào tạo về code, lập trình có thể hoàn toàn dạy học trực tuyến.

Về xu hướng phát triển, khi mà nền tảng dạy học trực tuyến là mở và phổ cập, thì lấy người học làm trung tâm và động lực là hướng đi hiệu quả nhất. Khi lấy người học làm trung tâm, mọi yếu tố từ khung chương trình, kế hoạch đào tạo, quá trình học và kết quả kiểm tra cũng đều có thể xây dựng. Khi lấy người học làm động lực thì từ những người làm chính sách, những người vận hành đến người dạy cũng có thể làm tốt hơn.

Kết luận

Qua bài giới thiệu về thực tiễn thế giới với nền tảng dạy học trực tuyến và khuyến nghị cho Việt Nam, có thể thấy tầm quan trọng hợp xu thế khi thúc đẩy phát triển nền tảng dạy học trực tuyến. Đây là một trong 35 nền tảng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy trong Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số hay chương trình phát triển nền tảng số quốc gia tại quyết định số 186/QĐ-BTTTT.

Hi vọng thông qua bài viết này, nền tảng dạy học trực tuyến sẽ có nhiều hơn những điển hình triển khai để từ đó phát triển hệ sinh thái EdTech Việt Nam thịnh vượng, chất lượng và vươn tầm thế giới.

Trần Quốc Tuấn

Tài liệu tham khảo

- Angappa Gunasekaran, Ronald D. McNeil and Dennis Shaul [2002], E-learning: Research and applicationsm, the Department of Management, University of Massachusetts, North Dartmouth, Massachusetts, USA.

- Maria Janelli [2018], E-Learning in Theory, Practice, and Research, American Museum of Natural History, USA.

- Zethembe Mseleku [2020], A Literature Review of E-Learning and E-Teaching in the Era of Covid-19 Pandemic, University of Kwa-Zulu Natal.

Chủ Đề