Cắt tiền liệt tuyến tận gốc là gì năm 2024

TTO - TS.BS Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - cho biết bệnh viện vừa ứng dụng phẫu thuật robot cắt tuyến tiền liệt tận gốc ngoài phúc mạc thành công cho ông N.T.D. [57 tuổi, Bình Phước] bị ung thư tuyến tiền liệt.

Ông D. bị ung thư tuyến tiền liệt nhưng khối u chưa xâm lấn túi tinh hai bên và vỏ bao. Kết quả xạ hình xương cũng chưa ghi nhận bất thường.

Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay cho ông D. là phẫu thuật cắt tận gốc tuyến tiền liệt để đảm bảo loại bỏ khối u ung thư, bảo toàn chức năng sinh dục và hạn chế tối đa nguy cơ són tiểu cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Ông D. đã chọn phẫu thuật nội soi ứng dụng robot ngay tại Bệnh viện Bình Dân thay vì ra nước ngoài điều trị.

Phẫu thuật nội soi robot có ưu điểm: cắt lọc tối đa mô ung thư, nạo vét các hạch triệt để, ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau, ít mất máu, phục hồi nhanh.

Đặc biệt các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đã áp dụng phẫu thuật robot qua ngả ngoài phúc mạc thay vì phải thao tác bên trong ổ bụng, giúp người bệnh tránh được những nguy cơ tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, nguy cơ dính ruột, tắc ruột... sau mổ.

Ca phẫu thuật cho ông D. kéo dài hai giờ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và xuất viện chỉ hai ngày sau phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt áp dụng khi khối u còn khu trú ở tuyến này, giúp điều trị tận gốc, bảo tồn chức năng sinh dục.

Ở nam giới bị ung thư còn khu trú ở tuyến tiền liệt, mục tiêu điều trị của bác sĩ sẽ là loại bỏ ung thư, đạt được bờ phẫu thuật không còn tế bào từ khối u. Khi thực hiện xét nghiệm PSA phải đạt được kết quả, giảm PSA trong máu xuống dưới 0,1 ng/ml. Phẫu thuật triệt để này còn giúp giảm nhu cầu điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật ví dụ như xạ trị hoặc điều trị nội tiết.

Lợi thế của phương pháp phẫu thuật nội soi là bảo tồn cơ và thần kinh để người bệnh có thể đi tiểu tự chủ, bảo tồn các dây thần kinh cương cho dương vật nếu có thể để giữ được chức năng của cơ quan sinh dục nam, đảm bảo được đời sống tinh thần cho người bệnh sau phẫu thuật.

Hình ảnh mô tả khối u ác tính ở tuyến tiền liệt.

Đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt còn khu trú ở tuyến tiền liệt, chưa lây lan sang bộ phận khác, phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và đôi khi cả các tuyến bạch huyết dẫn lưu vùng chậu và hai ống dẫn tinh.

Phẫu thuật được thực hiện thông qua một số vết mổ nhỏ ở vùng bụng dưới của người bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt, nhỏ tinh vi và robot hỗ trợ để cắt triệt tuyến tiền liệt, loại bỏ tế bào ung thư. Kỹ thuật này hiện được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện vì độ chính xác trong phẫu thuật cao. Bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

Các sợi cơ và dây thần kinh kiểm soát tiểu tự chủ được bảo tồn ở mức cao. Bệnh nhân vẫn bị rò rỉ một ít nước tiểu sau phẫu thuật một năm [tỷ lệ thực tế khoảng 20-33 mới có một trường hợp] có thể bác sĩ sẽ khắc phục bằng một thủ thuật khác như đặt cơ thắt nhân tạo hoặc đặt miếng băng nâng niệu đạo nam.

Các dây thần kinh cương nằm rất gần với tuyến tiền liệt sẽ được bảo tồn ở mức cao nếu như ung thư chưa xâm lấn vỏ bao ngoài của tuyến tiền liệt. Phẫu thuật này được gọi là cắt bỏ tuyến tiền liệt bảo tồn dây thần kinh, giúp bệnh nhân duy trì chức năng của bộ phận sinh dục.

Trong trường hợp các dây thần kinh này không thể hồi phục và cần phải cắt bỏ, bác sĩ hoặc chuyên viên sẽ hướng dẫn để người bệnh không phải lo lắng về tình trạng của mình.

Hình ảnh mô tả phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt.

Trước khi phẫu thuật, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu có các trường hợp sau:

- Có một hoặc nhiều dị vật được cấy ghép trong cơ thể [stent, thay khớp, máy tạo nhịp tim, van tim, ghép mạch máu]

- Đơn thuốc đang dùng nếu có chất làm loãng máu

- Bị nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin [MRSA] hiện tại hoặc trước đó

- Nguy cơ biến thể của bệnh Creutzfeldt-Jakob [CJD] cao [ví dụ đã cấy ghép giác mạc, cấy ghép màng cứng phẫu thuật thần kinh hoặc điều trị hormone tăng trưởng ở người].

Trong ngày phẫu thuật, bác sĩ sẽ xem qua tiền sử và thuốc, đồng thời xác nhận lại về yêu cầu phẫu thuật. Bác sĩ gây mê sẽ thảo luận về các lựa chọn gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống và việc giảm đau sau thủ thuật.

Bệnh nhân sẽ được uống thuốc xổ trước khi phẫu thuật để làm sạch ruột. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm một mũi heparin để làm loãng máu và bệnh nhân có thể mang vớ [tất] chống đông máu. Heparin giúp ngăn ngừa cục máu đông phát triển và đi vào phổi của người bệnh.

Chi tiết về phẫu thuật

Người bệnh được gây mê toàn thân và được tiêm thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật, nếu không có dị ứng.

Bác sĩ tạo ra 5 hoặc 6 vết mổ [vết cắt] nhỏ ở bụng người bệnh để đưa các dụng cụ robot vào. Những dụng cụ này cho phép bác sĩ phẫu thuật giải phóng, cắt bỏ tuyến tiền liệt ra khỏi bàng quang và niệu đạo [ống dẫn nước], đồng thời cố gắng bảo tồn các cơ và dây thần kinh. Sau đó, nối lại niệu đạo với bàng quang bằng các mũi khâu với chỉ tự tiêu chậm.

Sử dụng thuốc tê tại chỗ để giảm đau các vết mổ đặt cổng [trocar] và giảm thiểu sự khó chịu của bệnh nhân khi tỉnh lại. Tất cả các vết mổ được đóng lại bằng các mũi khâu với chỉ tự tiêu. Một ống thông sẽ được đặt vào bàng quang của bạn để thoát nước tiểu giúp chỗ nối mới lành lại.

Phẫu thuật này thường mất từ 2-3 tiếng. Sau phẫu thuật, vết mổ thường bị bầm tím và viêm xung quanh cùng với một vài vết sưng tấy hoặc phù ở bìu. Bệnh nhân có thể có phù mi mắt trên khuôn mặt trong 1-2 ngày, do nằm lâu ở tư thế "đầu thấp" trong khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở vai và đầy hơi cho đến khi ruột hoạt động trở lại bình thường sau 24 giờ. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân có thể được xuất viện.

Các biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật?

Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có thể có biến chứng nhẹ hoặc nặng. Đối với phẫu thuật này, nguy cơ thường gặp nhất là bệnh nhân bị vô sinh, không thấy tinh dịch. Bệnh nhân có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương, nếu không thể bảo tồn thần kinh hoặc không thể tránh khỏi tổn thương dây thần kinh.

Nguy cơ ít gặp hơn, chiếm tỷ lệ 2-10% là bệnh nhân tiểu không tự chủ [són tiểu] tạm thời. Nếu bị rò rỉ nước tiểu từ chỗ nối mới giữa bàng quang và niệu đạo, cần đặt ống thông tiểu lâu hơn, kéo dài thời gian nằm viện.

Bệnh nhân có thể bị chảy máu cần truyền máu; có thể đau, nhiễm trùng hoặc thoát vị ở vết mổ cần điều trị hoặc phẫu thuật thêm. Nếu các hạch bạch huyết vùng chậu đã được loại bỏ hoặc sinh thiết trong khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể bị tụ dịch bạch huyết

Sau phẫu thuật, nếu xét nghiệm giải phẫu bệnh cho thấy ung thư xâm lấn ra bên ngoài hoặc ở diện cắt tuyến tiền liệt [dương tính], cần theo dõi có thể điều trị thêm. Có thể cần điều trị bằng hormone, xạ trị hoặc hóa trị, nếu như xét nghiệm máu PSA của bệnh nhân vẫn cho thấy ung thư còn hiện diện vào một ngày sau đó.

Nguy cơ hiếm gặp [0,4-2%] là phẫu thuật nội soi khó thực hiện hoặc không tiến triển, bác sĩ sẽ phải thực hiện phương án mổ mở. Một số biến cố do gây mê hoặc tim mạch có thể cần chăm sóc đặc biệt bao gồm viêm phổi, thuyên tắc phổi, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng chèn ép khoang, nhồi máu cơ tim.

Liên quan đến tư thế "đầu thấp" trong khi phẫu thuật, các dây thần kinh bị chèn ép nên mắt cũng có thể có vài vấn đề khó chịu, các chi bị tê hoặc yếu đi. Một vài trường hợp có thể bị tổn thương hoặc có lỗ rò trực tràng, bác sĩ cần mở đại tràng ra da tạm thời để khắc phục.

Người bệnh có thể làm gì sau khi về nhà?

Bệnh nhân có thể được xuất viện với một ống thông trong bàng quang và được hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà. Bác sĩ sẽ tư vấn về cách phục hồi và bệnh nhân có thể mất vài ngày trước khi đi ngoài trở lại bình thường.

Khi bệnh nhân tái khám thay băng, rút ống thông tiểu, các bài tập sàn chậu sẽ được đưa ra. Nếu bị rò rỉ một ít nước tiểu khi rút ống thông tiểu thì không phải vấn đề lớn vì hầu như tất cả bệnh nhân đều có một giai đoạn phục hồi.

6-8 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành kiểm tra PSA lần đầu tiên để đánh giá kết quả phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị khác?

Theo dõi chủ động: một số trường hợp bệnh nhân không chọn lựa điều trị tích cực là cắt bỏ triệt để tuyến tiền liệt. Nhưng họ theo dõi cẩn thận PSA, sinh thiết lặp lại và chỉ can thiệp thêm nếu có bằng chứng chắc chắn về sự tiến triển của ung thư.

Mổ mở cắt tuyến tiền liệt tận gốc: được thực hiện thông qua một vết mổ ở vùng bụng dưới.

Mổ mở cắt tuyến tiền liệt tận gốc qua tầng sinh môn: được thực hiện thông qua một vết mổ ngay trước hậu môn.

Phẫu thuật nội soi tiêu chuẩn cắt tuyến tiền liệt tận gốc: được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi tiêu chuẩn mà không cần sự hỗ trợ của robot.

Xạ trị ngoài: liệu trình chuyên sâu chiếu xạ bên ngoài vào tuyến tiền liệt.

Xạ trị trong: cấy các hạt có hoạt tính phóng xạ dưới sự kiểm soát của siêu âm vào tuyến tiền liệt.

Siêu âm hội tụ cường độ cao [HIFU]: dùng siêu âm phát chùm tia bên ngoài. Phương pháp này chỉ có ở một vài trung tâm chuyên khoa.

Chủ Đề