Bài dự thi tìm hiểu đồng chí hoàng văn thụ năm 2024

Cuối năm 1939, sau thời kỳ hoạt động công khai kết thúc, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật, với cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị với Xứ ủy cho xuất bản tờ báo Giải phóng, làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Bắc Kỳ - Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo in bằng bàn đá và cơ quan ấn loát đặt tại làng Cổ Loa. Đồng chí được phân công phụ trách tờ báo và thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ với bí danh là Lý.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, mật thám Pháp và tay sai liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật để tránh tai mắt của kẻ thù.

Chân dung đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Trước tình hình trong nước có những biến chuyển mau lẹ, đặc biệt là tin Pháp đã đầu hàng phát xít Đức. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 đã được triệu tập từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940 tại Đình Bảng [Từ Sơn, Bắc Ninh]. Tham gia dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh... Hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt có kể về sự kiện quan trọng này, mà xưa nay vẫn chỉ hay nói là họp ở Đình Bảng: “Chúng tôi họp ngay trên gác nhà ông cụ [Đám Thi], chỗ họp rất kín đáo. Đang họp nửa chừng thì về chiều có tiếng Tây lai léo nhéo trong sân. Anh Thụ đập tay vào đùi đến đét: - Động rồi!... Nghe thấy động không ai bảo ai, tất cả chúng tôi nhét hết tài liệu vào túi, nhảy ra sân thượng, chỉ còn kịp dặn nhau: Nội nhật ngày hôm nay về Tam Sơn[*][thuộc phủ Từ Sơn] tiếp tục họp”.

Tại hội nghị này đã đề ra chủ trương quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. “Đồng chí trực tiếp chỉ đạo củng cố phong trào Bắc Sơn, duy trì và phát triển các đội du kích. Đồng chí đã viết nhiều tài liệu lên án bọn phát xít Nhật, phân tích tình hình cách mạng và cổ vũ phong trào quần chúng như cuốn: Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng các dân tộc Đông Dương, cuốn Bắc Sơn khởi nghĩa”.

Để kiện toàn cơ quan lãnh đạo trung ương của Đảng, sau thời gian bị khủng bố trắng, nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương, Tổng Bí thư của Đảng bị bắt. Hội nghị bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư; các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ. Hội nghị còn giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ chuẩn bị sang Trung Quốc để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc báo cáo tình hình cách mạng trong nước và xin ý kiến, kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Đây là lần đầu tiên đồng chí Hoàng Văn Thụ được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cuối tháng 2 năm 1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám tại Pác Bó [Cao Bằng], đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã làm việc với Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn tại Khuổi Nọi, Vũ Lễ [Bắc Sơn] và thông báo chủ trương của Đảng về việc phát triển Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, cử đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám [từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5-1941], dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pác Bó [Hà Quảng, Cao Bằng]. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, các đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ, Xứ ủy Trung Kỳ…

Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Theo đề nghị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư; bầu Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm ba đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt; thông qua Điều lệ tóm tắt của Đảng; Vấn đề Đảng; Chương trình Việt Minh, Điều lệ Việt Nam nông dân Cứu quốc Hội. Như vậy, tại hội nghị này đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Tại hội nghị này Trung ương Đảng đã chủ trương “thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh”. Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn được cử vào Tổng bộ lâm thời Mặt trận Việt Minh. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương và các văn kiện của Hội nghị là kết quả trí tuệ của toàn Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, nhưng đồng thời cũng là những cống hiến quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ và Ban Thường vụ Trung ương lâm thời do Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh lãnh đạo thực hiện từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy [năm 1940].

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Sau hội nghị, các đại biểu trở về các địa phương để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng. Trước lúc lên đường, các đại biểu rất xúc động được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến thăm và chúc mọi người lên đường về xuôi mạnh khỏe, bình an. Người yêu cầu tất cả các đại biểu phải để tài liệu lại, giao thông sẽ chuyển về sau. Người gặp riêng đồng chí Hoàng Văn Thụ và căn dặn phải hết sức giữ bí mật, chú ý bảo vệ sức khỏe. Người nói riêng với đồng chí Lê Quảng Ba rồi tự tay lấy khẩu súng ngắn đồng chí Lê Quảng Ba đang đeo đưa cho đồng chí Hoàng Văn Thụ và nói thêm: “Phải phòng bị, chúc bình an”.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác chuẩn bị lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương từ ngày 25 đến 28/2/1943, tại làng Chài [làng Võng La], huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên [nay thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội], dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh và các Ủy viên Thường vụ Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Những quan điểm, chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 đã cụ thể hóa và bổ sung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám [tháng 5/1941], thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam tiến lên một bước mới, có tính đột phá trực tiếp; việc chuẩn bị lực lượng toàn diện, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã có những bước tiến vượt bậc.

Từ giữa năm cho đến nửa cuối năm 1943, công tác vận động quần chúng, xây dựng tổ chức trong các thành phố, trung tâm công nghiệp và đặc biệt là trong công tác địch vận có nhiều khó khăn bởi sự khủng bố của địch. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn bí mật tới các cơ sở trong các thành phố, thị xã, đặc biệt là ở Hà Nội để chỉ đạo công tác. Giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Do có sự khai báo của một số kẻ phản bội, chỉ điểm còn len lỏi trong cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội như tên Nguyễn Thành Diên, tên Công và tên giao liên cơ sở ở bãi Phúc Xá... một số cơ sở liên lạc của Hoàng Văn Thụ ở ngõ Nam Diệm, Ngõ Gạch, chùa Liên, làng Bạch Mai, Hoài Đức, Hà Đông, làng Yên Nghĩa [Sơn Tây]... đều có mật thám giăng lưới.

Ngày 25/8/1943, đang trên đường từ đền Voi Phục đến liên lạc với cơ sở binh vận ở ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái [nay là khu vực Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội] thì đồng chí Hoàng Văn Thụ bị cảnh sát, mật thám bắt ở phố Kim Mã. Biết đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, kẻ thù rất hí hửng, hy vọng sẽ khai thác được nhiều bí mật của cách mạng để từ đó mở rộng cuộc khủng bố. Chúng đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ về sở cảnh sát đặc biệt, sau đó đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Chỉ ít ngày sau đó đồng chí Trần Đăng Ninh lại bị mật thám Pháp bắt ở Hưng Yên, sau đó chúng đưa về nhà giam ở nhà tù Hỏa Lò, giam ngay bên cạnh xà lim của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Những thủ đoạn tàn nhẫn dã man tra tấn những lãnh tụ trọng yếu của Đảng như đồng chí Trần Đăng Ninh đã miêu tả trong Hồi ký Hai lần vượt ngục. Trong Hồi ký đăng trên Báo Nhân Dân đồng chí Trần Đăng Ninh đã miêu tả sự tàn ác, dã man của bọn mật thám Pháp trong Sở mật thám Hà Nội và sau đó là trong xà lim án chém.

Mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn, dã man, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn không ngừng khích lệ những anh em cùng bị giam cầm, đánh đập ở Nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí Trần Đăng Ninh trong hồi ký “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ” đã viết: “Đứng trước tấm gương anh dũng của anh… Chúng tôi nghiến răng ăn đòn giặc… Mỗi lần tập tễnh đi qua buồng tôi anh lại nói chõ vào: - Có đau thì cũng cố chịu nhé. Đừng quên Tổ quốc và Đảng”.

Không khuất phục nổi người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, sau khi hỏi cung đánh đập không được gì chúng đưa về giam ở Hỏa Lò. Sau đó khoảng cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ ra xét xử tại Tòa án binh. Tại phiên tòa, với những hàng lính canh dày đặc, bọn thực dân còn đưa một số anh em tù chính trị tới chứng kiến với dụng ý thâm độc là đánh vào tinh thần của các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò.

Để thực hiện cái gọi là “luận tội”, tên Chưởng lý nói nhiều về những hoạt động trong và ngoài nước của đồng chí Hoàng Văn Thụ rồi hắn kết luận: Căn cứ vào hồ sơ, tòa cần kết án từ 20 năm tù đến khổ sai chung thân. Nhưng tên E. Lanéc - Phó Chánh sở Mật thám đứng bật dậy, nói một cách hằn học: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng Viêt Nam. Không xử tử hắn thì không thể đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam được”. Và bản án tử hình đã được tòa án thực dân tuyên với đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Vào lúc 6 giờ kém 15 phút sáng ngày 24/5/1944, cánh cửa sắt xà lim án chém mở. Một tốp lính lê dương súng ống, nai nịt, lưỡi lê tuốt trần sắp hàng trước xà lim đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cơlêmăngti cùng một giám thị vào mở cửa nhà giam đồng chí Hoàng Văn Thụ, rồi chúng đưa anh đi. Đến cửa buồng giấy mật thám. Quan tòa hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí Hoàng Văn Thụ trả lời: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng…”.

Cuối cùng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được đưa đến trường bắn Tương Mai [Hà Nội]. Trước loạt đạn của kẻ thù đã không làm át nổi tiếng hô của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!Việt Nam độc lập muôn năm!”...

Tấm gương anh dũng hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng và toàn dân ta. Gần 20 năm đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí đã luôn nêu cao khí tiết và tinh thần của người Cộng sản ưu tú. Cống hiến cả cuộc đời mình cho Đảng, cho Tổ quốc. Trong thời kỳ từ 1940 đến năm 1943, hoàn cảnh đấu tranh cách mạng ở nước ta rất khó khăn, có những lúc Ban Thường vụ có 2 đến 3 đồng chí Ủy viên Thường vụ [tính cả đồng chí Trường Chinh], rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng sa vào lưới mật thám bị giam cầm, hy sinh, hoặc đang trong ngục tù đế quốc, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mang hết khả năng, tài sức ra giữ vững các cơ sở cách mạng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhờ vậy, mặc dù bị khủng bố dữ dội, các cơ sở cách mạng vẫn không tan rã mà ngày càng phát triển mạnh.

Nói về vai trò và đóng góp lớn lao của đồng chí Hoàng Văn Thụ, khi nói về Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh,… cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

Chủ Đề